THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc lại tập trận quân sự ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Trung Quốc tiến hành thêm một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: China Military
Trung Quốc tiến hành thêm một cuộc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: China Military
TPO - Cục Hải sự Hải Nam, Trung Quốc ngày 11/3 thông báo, nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận ở Biển Đông từ 12-14/3.
Theo thông báo trên trang web của Cục Hải sự Hải Nam, khu vực tập trận nằm ở phía đông bắc của đảo Hải Nam. Tuy nhiên, thông báo không đưa tin chi tiết về cuộc tập trận. Cuộc tập trận mới này diễn ra giữa lúc quân đội Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận khác kéo dài hết tháng 3 ở Biển Đông. Cuộc tập trận được tổ chức trong một khu vực có bán kính 5km ở phía tây bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông. Kể từ tháng 7/2020, Trung Quốc đã tổ chức một số cuộc tập trận quân sự trong khu vực. Các cuộc tập trận trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ thời gian qua điều nhiều tàu chiến và máy bay tới Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Y tế Slovakia Marek Krajci hôm nay (12/3) đã tuyên bố từ chức. Quyết định này được cho là nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến thương vụ mua vaccine của Nga. Việc từ chức của ông Krajci được thực hiện theo yêu cầu của hai đảng trong liên minh cầm quyền là đảng Tự do và Đoàn kết và đảng Vì Nhân dân. Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã gọi việc từ chức là một quyết định đau đớn nhưng đúng đắn vì nó giúp ngăn chặn sự sụp đổ của chính phủ và các cuộc bầu cử sớm.

Theo quyết định vừa được công bố, số chuyến bay từ Brazil, Mexico và châu Âu sẽ giảm 20%; từ Chile, Colombia, Ecuador, Panama và Peru sẽ giảm 30%; và từ Mỹ sẽ giảm 10%. Đây là biện pháp mới nhất nhằm hạn chế sự xâm nhập của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh, Brazil và Nam Phi. Tuy nhiên, Argentina sẽ không đóng cửa hoàn toàn biên giới như từng được áp dụng khi đại dịch COVID-19 mới xuất hiện. Đến nay Argentina đã ghi nhận trên 2,1 triệu ca mắc COVID-19 khiến 53.359 người tử vong.


Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 11/3 đã ký ban hành gói cứu trợ lớn nhất lịch sử trị giá 1.900 tỷ USD một ngày sau khi được Quốc hội thông qua. Dự luật với tên gọi Kế hoạch giải cứu nước Mỹ bao gồm hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ, thúc đẩy nỗ lực phân phối vaccine, mở cửa lại trường học, gia hạn trợ cấp thất nghiệp tới tháng 9, hỗ trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương, và mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng Obamacare. Việc gói cứu trợ này được thông qua được coi là thắng lợi lớn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Biden kể từ khi nhậm chức.

Trong ngày 12/3 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden sẽ chủ trì cuộc họp đầu tiên của Đối thoại Tứ giác An ninh (hay còn gọi là nhóm Bộ Tứ, Bộ Tứ kim cương) với lãnh đạo Australia, Ấn Độ và Nhật Bản. Làm thế nào để nhóm Bộ Tứ hoạt động hiệu quả sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất của ông Biden ở châu Á. Nhưng để làm được điều đó sẽ cần phải có một chương trình cụ thể được xây dựng trên những mục tiêu chung. Bộ Tứ kim cương được đánh giá là cơ chế tốt nhất để Mỹ kiềm chế Trung Quốc. Dù vậy để cơ chế này hoạt động hiệu quả nhất lại không phải là nhiệm vụ dễ dàng.


Ngày 11/3, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua 2 dự luật nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn, một trong những vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua tại quốc gia này. Dự luật đầu tiên sẽ thắt chặt lỗ hổng tồn tại nhiều năm nay trong luật súng thông qua việc mở rộng kiểm tra lý lịch đối với những người mua vũ khí qua Internet, tại các buổi triển lãm súng và thông qua một số giao dịch riêng nhất định. Dự luật thứ hai sẽ cho phép các nhà chức trách có 10 ngày làm việc để hoàn thành việc kiểm tra lý lịch liên bang trước khi cấp phép cho hoạt động bán súng. Mặc dù được thông qua tại Hạ viện, song dự luật này có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn để vượt qua được “cửa ải” tại Thượng viện khi đảng Dân chủ chỉ nắm giữ thế đa số mong manh, trong khi văn bản này cần nhận được 60 phiếu ủng hộ.

Ngày 11/3, các nhân chứng cho biết tổng cộng 31 người đã thiệt mạng trong 3 vụ tấn công riêng rẽ do các băng nhóm tội phạm tiến hành trong hai ngày 9 và 10/3 tại khu vực Tây Bắc và miền Trung Nigeria. Cụ thể, một băng cướp đi xe mô-tô đã tấn công làng Damaga, thuộc bang Tây Bắc Zamfara chiều 10/3, xả súng sát hại 13 người dân và cướp đi nhiều gia súc, gia cầm. Những học sinh tại một trường trung học trong làng buộc phải nghỉ học do lo sợ bị bắt cóc.

Các cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đã cùng nhau xuất hiện trong một chiến dịch truyền thông nhằm kêu gọi người dân Mỹ tiêm vaccine. Theo CNN, chiến dịch bao gồm 2 đoạn quảng cáo, đoạn đầu dài khoảng một phút, cho thấy hình ảnh bốn cựu tổng thống và đệ nhất phu nhân đang được tiêm chủng. Đoạn quảng cáo còn lại có cảnh các cựu Tổng thống Clinton, Bush và Obama đứng cạnh nhau, cùng kêu gọi người dân tiêm vaccine Covid-19.

MỚI - NÓNG
Thấy gì từ 9.000 tỷ đồng người dân gửi ngân hàng mỗi ngày?
Thấy gì từ 9.000 tỷ đồng người dân gửi ngân hàng mỗi ngày?
TPO - Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9 số tiền tiết kiệm được người dân và doanh nghiệp gửi vào ngân hàng là hơn 14 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 9.000 tỷ đồng tiền gửi mỗi ngày. Theo chuyên gia, tiết kiệm vẫn sẽ là “hầm trú ẩn” an toàn của dòng tiền ở hiện tại khi nhìn vào con số tiền gửi vào ngân hàng.