Mỹ - Triều Tiên: Nguy cơ lớn nhất là không hiểu nhau

Hàng ngàn người dân Triều Tiên được huy động tập trung trên quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 9/8 để phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp quốc. Ảnh: Jon Chol Jin
Hàng ngàn người dân Triều Tiên được huy động tập trung trên quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng ngày 9/8 để phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp quốc. Ảnh: Jon Chol Jin
TPO - Một trong những lý do mà Mỹ và Tiều Tiên có thể đẩy mình vào một cuộc xung đột quân sự nguy hiểm chính là việc người này không hiểu người kia đang nói gì, các chuyên gia nhận định.

Những lời đe dọa tận thế của hai nhà lãnh đạo bạo miệng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, làm gia tăng nguy cơ xảy ra hiểu nhầm và tính toán sai.

“Nếu bạn nhìn vào bất kỳ tình huống nào trước đây khi có nguy cơ leo thang căng thẳng giữa hai nước có vũ khí hạt nhân thì việc hiểu ý định của kẻ thù là điều rất quan trọng”, bà Andrea Berger, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở California, Mỹ, nhìn nhận. “Trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên, sự hiểu biết đó không tồn tại trong rất nhiều điểm của vấn đề”, bà nói.

Bất chấp nhiều lần võ miệng, nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng trong những năm qua được đánh giá là thấp. Cả hai nước đều không mong muốn châm ngòi xung đột để chế độ ở Bình Nhưỡng bị lật đổ nhưng các đồng minh của Mỹ cũng hứng đủ.

Triều Tiên từng nhiều lần từng tuyên bố mạnh miệng, dọa sẽ biến nước Mỹ thành “biển lửa” hay “cả nước Mỹ thành đống tro tàn”. Những lời lẽ này nghe có vẻ nghiêm trọng đối với người Mỹ, nhưng với Triều Tiên những cách nói như vậy đều phục vụ mục tiêu có tính toán.

Điều quan trọng nhất trong những mục tiêu đó là tự bảo vệ mình. Triều Tiên tin rằng nếu họ có thể thể hiện khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân thì có thể ngăn Washington cố lật đổ chế độ của họ.

Tuần này, những lời đe dọa của Triều Tiên tăng lên mức độ mới khi Bình Nhưỡng tuyên bố đang chuẩn bị kết hoạch phóng 4 tên lửa xuống vùng biển quanh đảo Guam – sự leo thang nghiêm trọng nhằm thể hiện năng lực ngày càng cao của Bình Nhưỡng.

Nhưng còn có thêm chất xúc tác nữa khiến tình hình càng thêm nóng.

Trong những lần Triều Tiên dùng từ ngữ đao to búa lớn trước đây, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama thường đáp lại với ngôn ngữ ngoại giao bình tĩnh. Nhưng điều đó đã thay đổi với phong cách nhiều màu sắc và phi truyền thống của Tổng thống Trump.

Đầu tuần này, ông Trump cảnh báo Triều Tiên rằng họ sẽ vấp phải “lửa, cơn giận giữ và sức mạnh thẳng thắn, những thứ mà thế giới chưa từng thấy trước đây” nếu đe dọa Mỹ lần nữa.

Hôm 9/8, ông Trump nói rằng những ngôn ngữ chua cay hôm trước của ông có thể “chưa đủ cứng rắn”.

“Tôi sẽ nói với các bạn như thế này: Nếu Triều Tiên làm gì, dù chỉ là nghĩ đến tấn công bất kỳ ai mà chúng tôi yêu mến hoặc đại diện, hoặc các đồng minh của chúng tôi hoặc chúng tôi, họ sẽ phải cực kỳ, cực kỳ lo lắng”, ông Trump nói trước các phóng viên khi đang ở khu sân golf tại Bedminster, bang New Jersey. “Và họ nên như vậy, vì mọi thứ sẽ xảy ra với họ theo cách họ chưa từng nghĩ có thể xảy ra”, Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Thông điệp lẫn lộn

Một số nhà phân tích nói rằng những lời lẽ đó của ông Trump đẩy cả bạn bè và kẻ thù của Mỹ đến sát mép vực.

“Điều chúng ta thấy là hai nhà lãnh đạo ném vào nhau những lời lẽ hùng hồn và điều đó có thể gây bất ổn khó lường cho các đồng minh ở khu vực”, bà Cristina Varriale, nhà nghiên cứu đang công tác tại RUSI, một tổ chức tư vấn chính sách trụ sở tại London, Anh, nhận xét.

Bà Varriale cho rằng những ngôn ngữ như trên cho thấy “tính toán sai lầm là một trong những rủi ro và nguy cơ lớn nhất” mà các bên đang đối mặt, mà một phần nguyên nhân là do những thông điệp lẫn lộn từ chính quyền Trump.

Không lâu sau khi ông Trump gây báo động với những lời lẽ toàn “lửa” với “nỗi giận dữ” thì Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dùng ngôn ngữ hoàn toàn khác tông khi ông đến Guam trong chặng dừng chân đã được lên kế hoạch từ lâu. “Tôi nghĩ người Mỹ có thể ngủ ngon mỗi đêm. Tôi không lo lắng gì về những lời hùng hồn đó trong những ngày qua”, ông Tillerson nói.

Chính quyền Trump khẳng định họ chỉ nói một tiếng nói, nhưng bà Varriale cho rằng những thông điệp lẫn lộn như trên “không phù hợp với một chính sách thống nhất cụ thể’ và “khiến cả các đồng minh và kẻ thù rối bời vì không hiểu Mỹ sẽ sẵn sàng làm điều gì. Nó tạo nên khá nhiều sự mơ hồ”, bà Varriale nhận xét.

Dù Triều Tiên không muốn dính vào một cuộc xung đột hạt nhân, nhưng bất kỳ nhầm lẫn nào do những tuyên bố không nhất quán từ Wasshington cũng có thể gây ra nguy cơ tính toán sai lầm.

Tương tự, những tuyên bố nửa kín nửa mở từ Triều Tiên cho thấy các thông điệp có thể bị hiểu theo hướng sai.

Trang web 38 North của ĐH Johns Hopkins có bài viết hôm 10/8 nói rằng Triều Tiên tháng trước có vẻ thực sự gợi ý rằng họ để ngỏ vấn đề từ bỏ tên lửa và hạt nhân “nếu chính sách thù địch của Mỹ và mối đe dọa hạt nhân đối ới Triều Tiên chấm dứt”. Tuy nhiên, một khác biệt nhỏ trong chuyển ngữ khiến thông điệp tinh tế đó bị bỏ qua.

Việc thiếu kênh trao đổi thông tin giữa Triều Tiên và Mỹ càng tạo thêm sự bất định. Trong khi nhiều nước đạt đại sứ quán tại Bình Nhưỡng và Mỹ thực hiện các quan hệ ngoại giao thông qua Thụy Điển thì lần này hai bên thiếu các kênh liên lạc có thể làm tiêu tan đối đầu, bà Varriale nhận xét.

Theo Theo NBC News
MỚI - NÓNG