Scout Warriror mới đây dẫn lời ông Martin Jeffries, cố vấn khoa học của văn phòng Nghiên cứu hải quân Mỹ (ONR), cho biết, tính đến cuối mùa hè năm 2014, cơ quan này đã thả hơn 100 robot lặn thăm dò Bắc Băng Dương nhằm đua tranh với Nga.
Loại robot lặn tự động này có tên là Seaglider dài 2,8 m, nặng gần 50 kg. Seaglider có khả năng đưa các thiết bị cảm biến âm thanh xuống độ sâu tới 1.000 mét.
Seaglider có thể định vị chính xác nhờ tín hiệu âm thanh hoặc tiếng "ping", giúp các nhà khoa học xác định vị trí mà robot này đo nhiệt độ cũng như độ mặn. Theo chuyên gia Jefferies, ONR đang tiến hành đo hai chỉ số này từ bề mặt xuống độ sâu 1.000 m nhằm dự đoán tốc độ tan chảy của băng.
Nhà khoa học của ONR giải thích rằng nhiệt độ nước tăng càng nhanh, bề mặt băng càng mỏng thì Bắc Cực ngày càng "mở" và sẽ có thêm nhiều tuyến hàng hải qua đây. Việc phân tích dữ liệu thu được giúp Mỹ dự đoán chính xác tốc độ băng tan và tương lai cuộc cạnh tranh với Nga đối với các tuyến hàng hải chiến lược này.
Ngoài ra, các vùng biển "mở" cũng tất yếu dẫn đến cuộc đua ngày càng gay gắt nhằm khai thác tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và khí đốt.
Hải quân Nga đang thực hiện kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Bắc Cực. Tuyến hàng hải lớn nhất khu vực này là tuyến Biển Bắc gần như chạy dọc biên giới Nga với Bắc Cực và ngày càng tấp nập.
Nga sử dụng rất nhiều tàu phá băng để hộ tống các tàu thương mại trên tuyến này. Các tàu nước ngoài muốn qua tuyến Biển Bắc phải trả tiền thuê tàu phá băng Nga nhằm đảm bảo an toàn.
Hải quân Mỹ coi đây là mối đe dọa và đã vạch ra "lộ trình Bắc Cực" nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ cần thực thi trong cuộc đua với Nga. Nhiệm vụ này bao gồm nghiên cứu phân tích chi tiết mức độ sẵn sàng của hải quân như tìm kiếm cứu nạn, hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát, trinh sát (C4ISR) cũng như phối hợp với lực lượng tuần duyên Mỹ.