Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Việc lựa chọn “Đối thoại an ninh Bộ Tứ” là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên để tham dự cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ có kế hoạch hồi sinh khuôn khổ này để trở thành một phần của chiến lược đối phó với Trung Quốc.
Anja Manuel, giám đốc Diễn đàn an ninh Aspen, cho rằng đã có một sự thay đổi lớn khi Ấn Độ từ bỏ chính sách không liên minh trước đây để tham gia Bộ Tứ nhằm đối phó với Trung Quốc ngày càng quyết liệt.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự kiến có chuyến thăm Ấn Độ trong tháng này nhằm củng cố khuôn khổ hợp tác với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.Ấn Độ và Mỹ đang có quan hệ hợp tác quốc phòng gần gũi khi Washington chấp thuận thương vụ bán số vũ khí trị giá 20 tỷ USD cho New Delhi.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước nói rằng việc cung cấp các nền tảng quân sự tiên tiến của Mỹ “thể hiện cam kết của chúng tôi đối với an ninh và chủ quyền của Ấn Độ. Nó thể hiện cam kết của chúng tôi đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện toàn cầu”.
Trong khi đó, Cao ủy Anh tại Ấn Độ Alex Ellis hôm 5/3 nói rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ trở thành “khu vực tăng trưởng tuyệt vời của thế giới” và Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với tất cả các nước trong Bộ Tứ, gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Úc ở khu vực này, Times of India đưa tin.
Ông Ellis nói rằng vẫn chưa rõ mức độ gần gũi về thể chế mà các nước Bộ Tứ sẽ hợp tác với nhau, nhưng một điều chắc chắn là Mỹ sẽ phối hợp với các thành viên trong nhóm này.
Khi được hỏi rằng liệu Anh có hứng thú tham gia Bộ Tứ nếu nhóm này mở rộng hay không, ông Ellis nói rằng còn tùy cách thức nhóm này làm việc.
“Một điều rõ ràng mà tôi kỳ vọng là chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Úc”, ông Ellis nói.
Chuẩn bị sức mạnh quân sự
Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ vừa trình lên Quốc hội nước này đề xuất sáng kiến lập hệ thống tên lửa dọc chuỗi đảo thứ nhất, hệ thống phòng thủ tên lửa tích hợp ở chuỗi đảo thứ hai, và một thế trận lực lượng phân tán để duy trì sự ổn định, khi cần thiết sẽ toả ra và duy trì các hoạt động chiến đấu trong thời gian kéo dài. Chiến lược này nhằm chặn đường của Trung Quốc ra Biển Đông và Hoa Đông nếu xung đột xảy ra, Nikkei đưa tin.
Chuỗi đảo thứ nhất là một nhóm đảo trong đó bao gồm Đài Loan (Trung Quốc), đảo Okinawa (Nhật Bản) và Philippines - dải đất Trung Quốc coi là tuyến phòng thủ đầu tiên. Chuỗi đảo thứ hai bắt đầu từ miền Đông Nam Nhật Bản xuống đảo Guam và Indonesia.
Atlantic Council vừa đăng tải tài liệu mang tên “The longer telegram” của cựu quan chức cấp cao Mỹ giấu tên nói về kế hoạch cụ thể của Mỹ để đối mặt với Trung Quốc, cung cấp những manh mối quan trọng về kế hoạch triển khai các lực lượng của Mỹ ở khu vực Đông Á.
Thành tố chính trong chiến lược này là hàng loạt “vạch đỏ” để Mỹ có hành động quân sự. Những giới hạn đó bao gồm “bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân, vũ khí hoá học hoặc sinh học từ Trung Quốc hoặc Triều Tiên chống lại Mỹ hoặc các đồng minh; bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Trung Quốc vào đảo Đài Loan, bao gồm phong tỏa kinh tế hoặc tấn công mạng quy mô lớn nhằm phá hoại hạ tầng và thể chế của Đài Loan; bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc vào lực lượng Nhật Bản ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên biển Hoa Đông; bất kỳ hành động thù địch đáng kể nào của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm thúc đẩy yêu sách và quân sự hóa các đảo, để triển khai lực lượng chống lại các nước liên quan khác trên Biển Đông, hoặc để ngăn chặn hoạt động tự do hàng hải của hải quân Mỹ và các đồng minh; bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc nhằm vào lãnh thổ thuộc chủ quyền hoặc tài sản quân sự của các đồng minh có hiệp ước với Mỹ.
Anja Manuel, giám đốc Diễn đàn an ninh Aspen, cho rằng đã có một sự thay đổi lớn khi Ấn Độ từ bỏ chính sách không liên minh trước đây để tham gia Bộ Tứ nhằm đối phó với Trung Quốc ngày càng quyết liệt.