Căn cứ quân sự bí mật Diego Garcia có thể cách lục địa ở nơi gần nhất tới 1600km, nhưng nó có đầy đủ đặc điểm của một thị trấn của Mỹ. Nhưng cho dù ô tô ở đây đi bên phải đường, nó không phải là đất Mỹ, mà là dấu tích hiếm hoi còn lại của thời đế chế Anh.
Năm 1965, giữa lúc Chiến tranh lạnh ở cao trào, Mỹ ký một thỏa thuận bí mật gây tranh cãi với chính phủ Anh về việc thuê một trong 60 hòn đảo thuộc quần đảo Chagos trên Ấn Độ Dương để thiết lập căn cứ quân sự.
Vì sao phải bí mật? Là bởi khi đó Anh đang xúc tiến trả lại độc lập cho Mauritius, trong khi quần đảo Chagos là vùng đất lệ thuộc đảo quốc này, theo CNN.
Quần đảo Chagos sau đó không được độc lập. Thay vào đó, nó bị tách khỏi Mauritius và trở thành Lãnh thổ Anh quốc ở Ấn Độ dương, động thái vừa bị tòa án của LHQ phán quyết là vi phạm luật pháp quốc tế. Theo phán quyết này, Anh phải hoàn tất quá trình “phi thuộc địa hóa” và trả lại quần đảo Chagos, nằm giữa châu Phi và Indonesia, cho đảo quốc Mauritius.
Phán quyết của tòa, dù không mang tính bắt buộc. vẫn tạo ra vấn đề rất lớn đối với Mỹ. Ngày nay, căn cứ Diego Garcia là một trong những tài sản quan trọng và bí mật nhất ở hải ngoại.
Là căn cứ của hơn 1.000 lính và nhân viên quân sự, căn cứ Diego Garcia là điểm đến của hải quân, không quân và cả cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) bởi đường băng rộng lớn của đảo có thể là nơi hạ cánh khẩn cấp của tàu con thoi vũ trụ. Căn cứ Diego Garcia là nơi phát động tấn công Iraq, là nơi máy bay ném bom cất cánh, thực hiện các nhiệm vụ ở khu vực châu Á, bao gồm cả biển Đông.
Nhiều người ở Anh, bao gồm Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng đối lập, đang thúc giục chính phủ trả quần đảo Chagos cho Mauritius. Các chuyên gia cho rằng, nếu điều này xảy ra, việc sở hữu Diego Garcia có thể phải mang ra thương lượng và vấn đề này sẽ giúp Mauritius trở nên quan trọng hơn xét về mặt địa chính trị.
Một phán ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Anh nói chính phủ sẽ xem xét phán quyết của tòa “cẩn trọng”. “Các cơ sở quân sự trên Lãnh thổ Anh quốc ở Ấn Độ Dương giúp bảo vệ người dân ở Anh và khắp thế giới khỏi nguy cơ khủng bố, tội phạm có tổ chức và cướp biển”, vị này nói thêm.
Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế hồi tuần trước không mang tính bắt buộc, có nghĩa là Anh có thể chọn phương án làm ngơ.
Vấn đề nước nào có chủ quyền với quần đảo Chagos sẽ được tranh luận tại Đại hội đồng LHQ, cơ quan chuyển hồ sơ vụ việc lên Tòa án Công lý quốc tế cho dù có phản đối từ London.
Stephen Robert Allen, chuyên gia về luật pháp quốc tế liên quan đến quần đảo Chagos, nói rằng “sẽ là vấn đề nghiêm trọng nếu Anh chọn phương án làm ngơ phán quyết của tòa án”. “Trong khi Anh đang thúc đẩy một lộ trình hậu Brexit, việc tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ quan trọng hơn”, ông nói với CNN.
Thủ tướng Mauritius Pravind Jugnauth gọi phán quyết của tòa là “thời khắc lịch sử cho Mauritius và mọi người dân nước này”, nói rằng nó mở ra con đường cho người dân Chagos và con cháu họ “cuối cùng đã có thể về nhà”, điều mà họ đấu tranh pháp lý trong hàng chục năm qua.