Mỹ nói sẵn sàng thương lượng với Nga về hạn chế tập trận, triển khai tên lửa

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỹ và các đồng minh đã chuẩn bị để thương lượng với Nga trong các cuộc đàm phán liên quan đến Ukraine về khả năng mỗi bên sẽ hạn chế hoạt động tập trận và triển khai tên lửa, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết ngày 8/1.
Mỹ nói sẵn sàng thương lượng với Nga về hạn chế tập trận, triển khai tên lửa ảnh 1

Nga và Mỹ sẽ bắt đầu các cuộc thương lượng liên quan đến Ukraine từ ngày 10/1. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo rằng Nga sẽ đối mặt với hậu quả kinh tế nghiêm khắc nếu Tổng thống Vladimir Putin quyết định tấn công Ukraine. Các quan chức Mỹ vừa nói cụ thể hơn về những biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng.

Các biện pháp đó sẽ nhằm vào các ngành công nghiệp quan trọng của Nga, bao gồm ngành quốc phòng và hàng không dân sự, các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo hay máy tính lượng tử, thậm chí cả điện tử tiêu dùng.

Các cuộc đàm phán tại Geneva hướng đến việc tháo ngòi khủng hoảng. Chưa rõ liệu Mỹ và các đồng minh châu Âu có thể đạt được tiến triển nào trong các cuộc thương lượng với Nga hay không. Ông Putin muốn NATO chấm dứt mở rộng về phía đông và bảo đảm an ninh cho Nga, nhưng Mỹ nói những điều này là không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Mỹ vừa nói với báo chí rằng hai bên có cơ hội tìm được quan điểm chung trong một số lĩnh vực.

Nga nói rằng họ cảm thấy bị đe doạ trước khả năng Mỹ đưa các hệ thống tên lửa đến Ukraine, dù ông Biden bảo đảm với Tổng thống Putin rằng ông không có ý định làm điều đó.

“Vì thế đây là một lĩnh vực mà chúng tôi có thể đạt được hiểu biết nếu Nga sẵn sàng đưa ra cam kết tương ứng”, quan chức Mỹ nói.

Washington cho biết sẵn sàng thảo luận về việc hai bên hạn chế hoạt động tập trận.

“Chúng tôi sẵn sàng tìm hiểu khả năng cả hai bên cùng hạn chế quy mô và mức độ tập trận, bao gồm cả hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược trên lãnh thổ của nhau và các cuộc tập trận trên mặt đất”, vị quan chức cho biết.

Washington cũng khẳng định sẵn sàng thảo luận rộng hơn về việc triển khai tên lửa ở khu vực. Năm 2019, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Hiệp định các lực lượng hạt nhân tầm trung Mỹ - Nga có từ năm 1987, với cáo buộc Mátxcơva vi phạm thoả thuận này.

Một quan chức khác của chính quyền Biden nói rằng phía Mỹ đang tính đến các biện pháp trừng phạt nếu Nga vi phạm, với trọng tâm sẽ là hệ thống tài chính và các ngành quan trọng của kinh tế Nga.

Nga có thể bị Mỹ đưa vào nhóm các nước bị Mỹ hạn chế xuất khẩu như Cuba, Iran, Triều Tiên và Syria.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG