Rối ren ở Kazakhstan: Có thể thay đổi tính toán của Nga ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ðối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, biến động xảy ra ở Kazakhstan là rất đáng ngại.

Với những tài xế ở miền tây Kazakhstan, Tết năm nay không vui vẻ gì khi giá gas tăng gấp đôi ngay từ ngày 1/1. Lúc đầu chỉ có vài chục người tập trung trên đường phố Zhanaozen để biểu tình, nhưng cơn thịnh nộ lan ra khắp quốc gia Trung Á chỉ trong vòng 3 ngày. Không chỉ bất mãn với giá nhiên liệu tăng, nhiều người dân còn thất vọng với tình trạng thất nghiệp, lạm phát và tham nhũng, CNN đưa tin ngày 7/1.

Ðối thoại hay đàn áp?

Lực lượng an ninh lúc đầu ở thế áp đảo vì đông hơn và có vũ khí, trong khi người biểu tình vẫn lẻ tẻ và phải chịu đựng cái lạnh 0 độ C trên đường phố. Nhưng đến ngày 4/1, đám đông đồng loạt phủ kín Almaty, thành phố lớn nhất của quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Chính phủ cam kết thu hồi quyết định tăng giá nhiên liệu và hỗ trợ kinh tế, nhưng những hứa hẹn đó là quá ít và quá muộn.

Giờ đây, Tổng thống Kazakhstan, ông Kassym Jomart Tokayev, người lên nắm quyền từ năm 2019, đối mặt hai lựa chọn: đối thoại chính trị thực sự hoặc đàn áp biểu tình. Ông Tokayev có vẻ rơi vào tình thế bị động khi làn sóng biểu tình lan quá nhanh. Ngày 2/1, ông viết trên Twitter rằng “người dân có quyền đưa ra yêu cầu công khai của mình đối với các chính quyền địa phương và trung ương, nhưng điều này phải được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Sau đó, ông nói rằng “người biểu tình phải hành xử có trách nhiệm và sẵn sàng đối thoại”. Ông hứa rằng một uỷ ban sẽ “tìm ra giải pháp hai bên chấp nhận được cho vấn đề nảy sinh, để có thể bảo đảm ổn định”. Nhưng những phản hồi với ông Tokayev cho thấy cơn tức giận của người dân lớn hơn thế. “Ngày nào cái gì cũng tăng giá. Rau thịt và bất kỳ thứ gì khác. Không thể đắt hơn được nữa. Hãy làm gì đi! Điều này không dễ dàng gì với người dân thường”, một người viết.

Các nhà phân tích cho rằng, sự thất vọng của người dân trước tình trạng thất nghiệp và lương thấp, nhất là trong các ngành công nghiệp nặng ở vùng phía tây Kazakhstan càng trở nên trầm trọng khi suy thoái xảy ra do đại dịch, cùng với sự bất bình đẳng gia tăng.

Khi tình hình rối ren hơn, ông Tokayev kêu gọi Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) giúp đỡ. Lời khẩn cầu của ông nhanh chóng được CSTO chấp thuận. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Chủ tịch CSTO hiện tại, nói rằng, lực lượng gìn giữ hoà bình được cử sang Kazakhstan vì nước này đang đứng trước “mối đe doạ đối với an ninh quốc gia và chủ quyền”.

Các nhà quan sát cho rằng, việc đưa lực lượng nước ngoài vào có thể càng khiến tình hình căng thẳng hơn, làm suy giảm uy tín của Tổng thống Tokayev. Năm 2010 đã xảy ra một cuộc biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ về việc cho các nhà đầu tư Trung Quốc thuê đất nông nghiệp, khiến kế hoạch cuối cùng bị huỷ bỏ.

Lực lượng an ninh có vẻ đã kiểm soát được các con phố ở thành phố Almaty của Kazakhstan sáng 7/1. Một ngày sau khi Nga cử quân sang quốc gia này, Tổng thống Kazakhstan cho biết, trật tự phần lớn đã được khôi phục. Tuy nhiên, vẫn còn một số tiếng súng vang lên sáng 7/1 ở khu vực gần quảng trường trung tâm thành phố, nơi binh lính và người biểu tình đụng độ suốt mấy ngày qua, Reuters đưa tin.

Interfax dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hơn 70 máy bay đang hoạt động liên tục để đưa lính Nga vào Kazakhstan, và họ đang hỗ trợ kiểm soát sân bay chính của Almaty sau khi giành lại từ người biểu tình. Bộ Nội vụ Kazakhstan tuyên bố, 26 “tội phạm có vũ trang” đã bị tiêu diệt và hơn 3.000 người bị bắt. Cảnh sát và quân đội cũng mất 18 người trong các cuộc đụng độ trên phố. Tổng thống Kazakhstan ngày 7/1 thông báo, ông cho phép lực lượng thực thi pháp luật sử dụng vũ lực gây sát thương để khống chế những người biểu tình quá khích.

Những câu hỏi lớn

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, biến động xảy ra ở quốc gia giáp biên giới phía nam là rất đáng ngại. Nga duy trì quan hệ gần gũi với Kazakhstan và phụ thuộc vào trung tâm vũ trụ Baikonur của Kazakhstan để thực hiện các chuyến đưa phi hành gia vào vũ trụ. Bên cạnh đó, 20% dân số của Kazakhstan là người Nga.

Rối ren ở Kazakhstan: Có thể thay đổi tính toán của Nga ở Ukraine ảnh 1
Lực lượng an ninh Kazakhstan tập trung ở quảng trường chính của Almaty ngày 6/1. Ảnh: TASS

Cựu tổng thống Nursultan Nazarbaev, người lãnh đạo Kazakhstan từ khi độc lập, đã thôi chức từ năm 2019 nhưng vẫn là nhân vật có ảnh hưởng mạnh ở hậu trường. Tổng thống Tokayev hiện nay là người được ông Nazarbaev chọn kế nhiệm. Mô hình chuyển đổi đó trước đây có lợi cho Nga, nhưng đến nay có vẻ không phải vậy, giới quan sát nhận định. Kremlin đang có một ván cờ lớn ở Ukraine, vì thế đợt bất ổn ở Kazakhstan hiện nay được đánh giá là sự phân tán không mong muốn đối với Mátxcơva. Bất ổn ở Kazakhstan đặt ra cho ông Putin một câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục chiến dịch tập hợp ở biên giới phía Tây hay xử lý mối đe doạ ở phía Nam? Hay có thể làm cả hai cùng lúc?

Lực lượng CSTO có thể khôi phục trật tự và quyền lực cho chính phủ của Tổng thống Tokayev mà không làm giảm đáng kể hiện diện của lực lượng Nga ở biên giới giáp Ukraine. Đó chắc chắn là điều Kremlin mong muốn, vì chiến dịch tập hợp đó đã dẫn đến các cuộc thương lượng với Mỹ, NATO và OSCE để Mátxcơva có được một số nhượng bộ trong vấn đề mở rộng hiện diện của NATO và hoạt động của liên minh này ở Đông Âu.

Nhưng nếu chuyến điều quân của CSTO thất bại, ông Putin sẽ rơi vào thế lưỡng nan. Tình hình tập hợp lực lượng sát Ukraine có thể rơi vào bế tắc, trong khi vị thế của Nga ở Kazakhstan suy giảm nếu phong trào nổi dậy tạo ra một chính phủ mang tư tưởng đổi mới, hoặc nếu ông Tokayev kêu gọi Trung Quốc và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải vào cuộc.

Câu hỏi được đặt ra khi đó sẽ là: Liệu ông Putin có rút quân khỏi biên giới với Ukraine để xử lý tình hình ở Kazakhstan và củng cố chỗ đứng của Nga ở Trung Á? Bài toán đặt ra với ông Putin ở cả Kazakhstan và Ukraine đều khó, bài viết của Atlantic Council đánh giá.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.