Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa các bộ trưởng ngoại giao ASEAN với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từ khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lên cầm quyền. Ông Patrick Murphy, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á, nói rằng, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh cam kết về kinh tế và an ninh của Washington với khu vực, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về chính sách “Mỹ là trên hết” của Tổng thống Donald Trump và về việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ngoại trưởng Tillerson kêu gọi các nước ASEAN thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên, ông Murphy cho biết. Tuần trước, ông Tillerson kêu gọi tất cả các quốc gia ngừng hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, cho rằng nước này lợi dụng các đặc quyền ngoại giao để phát triển quỹ dành cho chương trình vũ khí của họ. Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo rằng, Washington sẽ trừng phạt các công ty và người nước ngoài làm ăn với Triều Tiên nếu các nước không tự hành động. Ông Murphy nói Washington không khuyến khích các nước ASEAN chính thức cắt quan hệ với Triều Tiên, mà là kiểm tra sự hiện diện của Triều Tiên “ở những nơi rõ ràng vượt quá nhu cầu ngoại giao”.
Một số quan chức ngoại giao ASEAN khi nói với báo giới đã bày tỏ quan ngại về Triều Tiên nhưng cũng quan ngại về quan hệ thương mại với Mỹ, Reuters đưa tin. Về việc Mỹ kêu gọi giảm thiểu quan hệ với Triều Tiên, quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo, đại diện nước chủ tịch ASEAN năm nay, nói: “Chúng tôi chưa thực sự thảo luận điều đó trong nội bộ ASEAN, vì thế đó có thể là điều chúng tôi sẽ xem xét”. Ông Manalo nói rằng, hiện giờ, cần phải nỗ lực để bảo đảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không tăng thêm, không để xung đột nổ ra do tính toán sai lầm.
Các nhà ngoại giao nói rằng, áp lực của Mỹ gây ra một số khó chịu ở Đông Nam Á, trong đó có Malaysia, quốc gia đang giữ quan hệ với Triều Tiên, bất chấp căng thẳng gần đây liên quan vụ sát hại người đàn ông được cho là anh trai của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
ASEAN muốn thúc đẩy kinh tế
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói rằng, các biện pháp trừng phạt sẽ phải triển khai đầy đủ, nhưng hiện diện của Triều Tiên ở Singapore đã là tối thiểu. “Tôi không nói là không bao giờ, nhưng vào thời điểm này chưa phải là vấn đề - chúng tôi sẽ tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông nói. Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ kinh tế Mỹ - ASEAN, khi giá trị thương mại mỗi năm 100 tỷ USD hỗ trợ nửa triệu việc làm ở Mỹ và 274 tỷ USD đầu tư của Mỹ. “Đông Nam Á đầy rẫy cơ hội kinh tế và quá lớn để có thể bỏ qua”, ông Balakrishnan nói.
Phát biểu của Ngoại trưởng Singapore nhấn mạnh mối quan ngại lớn ở châu Á về việc ông Trump đã bỏ qua chính sách “xoay trục” kinh tế sang châu Á - Thái Bình Dương của cựu Tổng thống Barack Obama khi từ bỏ TPP, điều mà giới phân tích cho rằng dẫn đến việc thêm nhiều nước đang bị kéo vào quỹ đạo của Trung Quốc. Ông Murphy nói rằng, tại Hội nghị, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh, ASEAN vẫn là “đối tác chiến lược rất quan trọng”, thể hiện ở việc ông Trump cam kết dự các hội nghị thượng đỉnh ở Philippines và Việt Nam vào tháng 11 năm nay.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trưởng đoàn Việt Nam, phát biểu, việc tiếp tục các cam kết và đà phát triển quan hệ ASEAN-Mỹ là phù hợp với lợi ích hai bên và khu vực. Thứ trưởng nhấn mạnh việc Mỹ tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình có ý nghĩa chiến lược và là nhân tố tích cực và quan trọng cho hòa bình, ổn định, và liên kết khu vực, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.
Sẽ tiếp tục tuần tra tự do hàng hải ở biển Đông
Về vấn đề biển Đông, ASEAN gần đây dường như đang có cách tiếp cận thận trọng hơn. Hội nghị cấp cao ASEAN cuối tuần trước không nhắc đến việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa trên biển Đông. Cách tiếp cận này xuất hiện vào thời điểm ASEAN và Trung Quốc đang có những bước đi nhằm hoàn tất khung của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. Ông Murphy nói rằng, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh, quá trình này cần được tạo “không gian” bằng cách tránh củng cố các tuyên bố chủ quyền hiện tại”, AP đưa tin. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi ngừng quân sự hóa biển Đông.
Mỹ đã thực hiện các chuyến tuần tra tự do hàng hải để thách thức các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, nhưng chưa có chuyến đi nào như vậy diễn ra từ khi ông Trump lên nắm quyền. Ông Murphy nói rằng, hoạt động này sẽ tiếp tục, nhưng từ chối nói khi nào sẽ diễn ra.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng chia sẻ lo ngại trước những diễn biến phức tạp tại khu vực này, nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông. Thứ trưởng khẳng định, đây là mối quan tâm chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Mỹ, đồng thời đề cao các nguyên tắc mà hai bên đã nhất trí tại Cấp cao đặc biệt ASEAN Mỹ tại Sunnylands, California tháng 2/2016.
Sáng 5/5 (giờ Washington DC), các bộ trưởng ngoại giao ASEAN gặp Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Herbert Raymond McMaster.