Mỹ lo doanh nghiệp Trung Quốc làm tổn hại an ninh quốc gia

Một cảnh trong phim “Inception” của Legendary Pictures - hãng phim Hollywood bị tập đoàn Trung Quốc Dalian Wanda mua lại năm 2016 với giá 3,5 tỷ USD. Ảnh: Legendary
Một cảnh trong phim “Inception” của Legendary Pictures - hãng phim Hollywood bị tập đoàn Trung Quốc Dalian Wanda mua lại năm 2016 với giá 3,5 tỷ USD. Ảnh: Legendary
TP - Theo lãnh đạo Ủy ban Rà soát an ninh kinh tế Mỹ-Trung, Washington phải hạn chế đầu tư Trung Quốc, phải cấm doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ vì họ có thể khiến an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ phải đối mặt rủi ro.

Đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ được dự đoán giảm trong năm 2017, khi Washington có thể cấm doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ.

Trung Quốc sẽ khó đầu tư tại Mỹ

Đầu tư Trung Quốc tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong năm 2016, tăng 359% so với năm trước đó. Nhưng do Mỹ tăng cường chủ nghĩa bảo hộ và Trung Quốc thắt chặt kiểm soát vốn, dòng chảy vốn từ Trung Quốc sang Mỹ được dự đoán chậm lại trong năm 2017.

Theo Mergermarket (công ty chuyên phân tích tài chính doanh nghiệp, hoạt động toàn cầu), các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư 53,9 tỷ USD vào Mỹ thông qua 75 hợp đồng trong năm 2016. Năm 2015, con số này chỉ ở mức 11,7 tỷ USD. Đầu tư Trung Quốc ở Mỹ tăng mạnh, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn, điện toán đám mây và hàng không, khiến phía Mỹ quan ngại về an ninh quốc gia.

Kể từ tháng 2/2016, hơn 150 thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Mỹ viết thư gửi Bộ Tài chính Mỹ, thúc giục thay đổi quy định để tăng thẩm quyền của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Tháng 10/2016, Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ thông báo sẽ xem xét liệu CFIUS có đủ thẩm quyền để theo dõi số vụ doanh nghiệp Trung Quốc và Nga thâu tóm, sáp nhập các công ty Mỹ ngày càng tăng. Tháng 11/2016, Ủy ban Rà soát an ninh kinh tế Mỹ-Trung gửi báo cáo thường niên tới Quốc hội, đề xuất cấm doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc mua các công ty Mỹ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump gần đây có những phát biểu đao to búa lớn kêu gọi thay đổi quan hệ thương mại Mỹ-Trung theo hướng bảo hộ mậu dịch, dựng nhiều rào cản đối với hàng hóa, dịch vụ Trung Quốc muốn xâm nhập thị trường Mỹ, ông Mario Mancuso (Công ty luật thương mại quốc tế ở Washington) nói. Ông Mancuso là cựu Thứ trưởng Thương mại, Công nghiệp và An ninh Mỹ. Theo ông Mancuso, việc tăng thẩm quyền cho CFIUS có thể được thực hiện thông qua sắc lệnh của tổng thống, dù những thay đổi cơ bản của ủy ban này cần được Quốc hội phê chuẩn.

Những lời đại ngôn chống Trung Quốc của ông Donald Trump có thể tác động đến đầu tư Trung Quốc ở Mỹ. Dù không rõ ông định làm gì, Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ và đe dọa tăng thuế đối với hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ. Ông cũng khiến quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng khi tuyên bố từ bỏ chính sách lâu đời của Mỹ là tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc”.

“Số vụ doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm công ty có trụ sở ở Mỹ có khả năng giảm xuống trong năm 2017”, Elizabeth Lim, nhà nghiên cứu của Mergermarket, nhận định. Bà Lim dẫn chứng rằng, khi đang tranh cử tổng thống, ông Donald Trump đã kêu gọi tăng cường soi xét, giám sát việc các công ty nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc, mua lại các công ty Mỹ. Ngoài ra, Trung Quốc gần đây nỗ lực hạn chế dòng chảy vốn ra nước ngoài.

Lo an ninh quốc gia bị xâm phạm

Dù CFIUS trong năm 2016 thực sự xem xét nhiều trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm các công ty Mỹ và đã ngăn chặn một số thương vụ vì lý do an ninh, nhưng ủy ban này vẫn bị nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng chưa hành động đủ quyết liệt.

Gần đây nhất, công ty điện tử Trung Quốc Sanan Optoelectronics tuyên bố bỏ ra 259 triệu USD để mua công ty bán dẫn Mỹ GCS Holdings. Nhưng thương vụ này bất thành sau khi CFIUS rà soát việc mua bán. CFIUS thậm chí phản đối các thương vụ xuyên biên giới giữa Trung Quốc và châu Âu, như quỹ đầu tư Trung Quốc Fujian Grand Chip bỏ ra 547 triệu USD để thâu tóm hãng bán dẫn Đức Aixtron.

Tổng thống Barack Obama từng ra lệnh ngăn cấm quỹ đầu tư Trung Quốc Fujian Grand Chip (chính phủ Trung Quốc có cổ phần) mua nhà sản xuất chip vì lo ngại vấn đề an ninh quốc gia. Aixtron phát triển công nghệ có thể có ứng dụng quân sự và trong số khách hàng của hãng có nhà thầu quốc phòng Mỹ Northrup Grumman.

“Dưới thời Tổng thống Donald Trump cứng rắn, những hành động như vậy có thể gia tăng, dù mức độ cụ thể vẫn chưa rõ ràng, vì ông ấy và nội các mới không dày dạn kinh nghiệm chính trường”, bà Lim nói.

Theo lãnh đạo Ủy ban Rà soát an ninh kinh tế Mỹ-Trung, Washington phải hạn chế đầu tư Trung Quốc, khi sự đầu tư này khiến an ninh quốc gia và kinh tế Mỹ phải đối mặt rủi ro. Theo vị chủ tịch ủy ban này, một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở Mỹ theo chỉ đạo của Bắc Kinh, nhằm thu nhận các công nghệ nhạy cảm – loại công nghệ có thể được dùng để làm suy yếu sức cạnh tranh của các công ty Mỹ và nâng cao năng lực của quân đội Trung Quốc. 

Không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc, ngay cả các quỹ đầu tư Mỹ có mối liên hệ với Trung Quốc cũng nỗ lực mua các công ty Mỹ hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm. Ví dụ, quỹ Canyon Bridge muốn bỏ ra 1,3 tỷ USD để mua Lattice – công ty Mỹ chuyên sản xuất sản phẩm bán dẫn cấp độ quân sự. Theo thông tin mới nhất từ phía Mỹ, quỹ này có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc và chương trình vũ trụ của nước này.

Bắc Kinh gia tăng kiểm soát

Mỹ lo doanh nghiệp Trung Quốc làm tổn hại an ninh quốc gia ảnh 1

Tòa nhà của Tập đoàn Bảo hiểm Anbang của Trung Quốc ở Bắc Kinh. Anbang đã bỏ ra 6,5 tỷ USD để mua lại Strategic Hotels & Resorts, tạo ra thương vụ Trung Quốc ở Mỹ lớn nhất năm 2016. Ảnh: AP

Một thách thức khác đối với các công ty Trung Quốc muốn đầu tư ở Mỹ là việc Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát dòng vốn chảy ra nước ngoài.

Tháng 11/2016, chính phủ Trung Quốc tuyên bố tăng cường giám sát việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Các cơ quan chính phủ được lệnh soi các thương vụ và sự đầu tư của cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Tình trạng dòng vốn bị kiểm soát chặt hơn khiến nhiều chuyên gia dự đoán giới chức Trung Quốc sẽ đưa ra những biện pháp mới để hạn chế đầu tư ra nước ngoài và cấm hầu hết các thương vụ trị giá hơn 10 tỷ USD.

Dù các công ty Trung Quốc, như Dalian Wanda của người đàn ông giàu nhất Trung Quốc Wang Jianlin, tỏ ý thích đầu tư ở Mỹ, nhưng các dữ liệu mới nhất cho thấy các biện pháp hạn chế mới đang phát huy tác dụng. Theo hãng tư vấn và nghiên cứu kinh tế Capital Economics (trụ sở ở Anh), tổng giá trị tài sản nước ngoài mà các doanh nghiệp, gia đình Trung Quốc mua trong tháng 10/2016 giảm còn 1 tỷ USD, so với 20 tỷ USD trong tháng 9.

“Việc kiểm soát vốn có thể giảm đáng kể đầu tư Trung Quốc ở nước ngoài, trong đó có Mỹ. Biện pháp kiểm soát này có thể được sử dụng để ăn miếng trả miếng với tranh chấp thương mại với Mỹ”, ông Mancuso nhận định.

Theo Theo Forbes, Wall Street Journal, Fortune
MỚI - NÓNG