Mỹ liên tục cảnh báo Nga trong hậu trường về hậu quả việc sử dụng vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong suốt vài tháng qua, Mỹ được cho là đã kín đáo cảnh báo Nga về những hậu quả nghiêm trọng nếu Mátxcơva quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.
Mỹ liên tục cảnh báo Nga trong hậu trường về hậu quả việc sử dụng vũ khí hạt nhân ảnh 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Tờ Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã liên lạc một cách kín đáo với Mátxcơva suốt vài tháng qua, nhưng không tiết lộ ai là người đã gửi thông điệp hoặc nội dung của nó.

Hiện không rõ Mỹ có gửi thêm lời nhắn mới nào cho Nga sau khi Tổng thống Vladimir Putin đề cập đến vấn đề hạt nhân trong bài phát biểu huy động lực lượng hôm 21/9 hay không.

Theo các quan chức được Washington Post dẫn nguồn, những thông điệp mà Mỹ gửi đến Nga “nhấn mạnh những gì mà Tổng thống Joe Biden và các phụ tá của ông đã trình bày công khai".

Các quan chức cho biết chính quyền ông Biden không đưa ra những cảnh báo cụ thể về hậu quả của một cuộc tấn công hạt nhân, dường như nhằm “tung hoả mù” để Điện Kremlin phải lo lắng về những phản ứng tiềm năng của Mỹ.

Phát biểu ngày 21/9 tại một hội nghị không quân ở Maryland, Charles Richard - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ, tuyên bố đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, Washington phải đối mặt với nguy cơ bùng phát xung đột hạt nhân với một đối thủ ngang hàng.

“Tất cả chúng ta – những người ngồi trong căn phòng này – đang trở lại với công việc dự tính về xung đột vũ trang trực tiếp với một đối thủ có khả năng hạt nhân”, ông Richard nói, theo báo cáo của Lầu Năm Góc. “Chúng tôi đã không phải làm điều đó trong hơn 30 năm. Việc này không còn là trên lý thuyết nữa.”

Tuy nhiên, nguồn tin của Washington Post chỉ ra rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang di chuyển các vũ khí hạt nhân của mình để chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Hôm 22/9, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Mátxcơva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các khu vực ly khai ở Ukraine nếu họ quyết định sáp nhập Nga.

Học thuyết hạt nhân của Nga hiện chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp lãnh thổ/cơ sở hạ tầng của nước này bị tấn công hạt nhân, hoặc sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân/vũ khí thông thường.

Trong khi đó, học thuyết hạt nhân của Mỹ cho phép thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân “trong trường hợp cực kỳ cần thiết để bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ, đồng minh và đối tác”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại chủ trương này hôm 21/9, tuyên bố Điện Kremlin sẽ “sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân”, nếu lãnh thổ Nga bị đe dọa.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cảnh báo rằng Mỹ đang “đứng trên ranh giới” trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine, và Washington có nguy cơ làm bùng phát “các cuộc chạm trán trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân”.

Theo RT, Washington Post
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.