Phát biểu tại một hội nghị không quân ở Maryland, ông Richard cho biết Mỹ sẽ phải khẩn trương chuẩn bị để đối phó với các đối thủ và bảo vệ đất nước mình.
“Tất cả chúng ta – những người ngồi trong căn phòng này – đang trở lại với công việc dự tính về xung đột vũ trang trực tiếp với một đối thủ có khả năng hạt nhân”, ông Richard nói, theo báo cáo của Lầu Năm Góc. “Chúng tôi đã không phải làm điều đó trong hơn 30 năm. Việc này không còn là trên lý thuyết nữa.”
Dưới góc nhìn của Nga, Mỹ hiện đang vướng vào một cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine khi liên tục viện trợ vũ khí, tài chính và hỗ trợ tình báo cho Kiev.
Học thuyết hạt nhân của Nga hiện chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp lãnh thổ/cơ sở hạ tầng của nước này bị tấn công hạt nhân, hoặc sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân/vũ khí thông thường.
Trong khi đó, học thuyết hạt nhân của Mỹ cho phép thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân “trong trường hợp cực kỳ cần thiết để bảo vệ lợi ích sống còn của Mỹ, đồng minh và đối tác”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại chủ trương này hôm 21/9, tuyên bố Điện Kremlin sẽ “sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có để bảo vệ nước Nga và người dân”, nếu lãnh thổ Nga bị đe dọa.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng cảnh báo rằng Mỹ đang “đứng trên ranh giới” trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột ở Ukraine, và Washington có nguy cơ làm bùng phát “các cuộc chạm trán trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân”.
Những cảnh báo tương tự cũng đến từ phía Mỹ, khi cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng cuộc xung đột “đáng lẽ không nên xảy ra” này có thể sẽ “trở thành Thế chiến III”.