Kịch bản lấy thời điểm ngày 1/3/2015, với giả định tàu Trung Quốc tuần tra hằng ngày xung quanh Senkaku/Điếu Ngư, trong khi tàu sân bay Liêu Ninh và các chiến hạm khác diễn tập chỉ cách quần đảo tranh chấp khoảng 50 dặm kể từ tháng 2. Chuyên gia Kazianis đặt tình huống 2 máy bay chiến đấu SU-27 Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát P-3 Orion của Nhật Bản cách Senkaku/Điếu Ngư 10 dặm vào ngày 1/3/2015, phản ánh sự cố xảy ra tại Hải Nam tháng 4/2011 khi một chiếc tiêm kích SU-27 va chạm một máy bay do thám P-3 của Mỹ.
Theo kịch bản, “máy bay Nhật Bản va chạm với một trong hai chiến đấu cơ Trung Quốc. Cả hai chiếc máy bay rơi xuống biển, không ai sống sót. Đúng 72 giờ sau, một nhóm khoảng 20 công dân Trung Quốc lợi dụng đêm tối đổ bộ lên một trong các hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư”. Hải quân Nhật Bản được lệnh điều động một phân đội binh sĩ có nhiệm vụ trục xuất các công dân Trung Quốc khỏi đảo, trong bối cảnh Bắc Kinh đe dọa sử dụng vũ lực nếu công dân của mình bị xâm hại.
Khi hải quân Nhật Bản tiến cách quần đảo 20 dặm, một chiến đấu cơ J-10 Trung Quốc bay tới. Lần bay thứ hai quá gần khu trục hạm Nhật Bản một cách nguy hiểm, trong một động thái tự vệ, chiến hạm Nhật Bản bắn hạ chiếc máy bay. Quân đội Trung Quốc sau đó khai hỏa một tên lửa chống hạm DF-21, theo kịch bản, quả tên lửa rơi xuống biển cách chiến hạm Nhật Bản 10 dặm. Không nao núng, các lực lượng Nhật Bản vẫn tiến lên trong trong cơn bão tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình Trung Quốc. Ba tàu chiến Nhật Bản bị đánh trúng với thiệt hại nhân mạng nặng nề.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe điện khẩn cho Tổng thống Mỹ Barack Obama vào lúc 3h sáng. Chiến tranh ở châu Á dường như sắp nổ ra. Vì xung đột Trung-Nhật có thể bắt đầu từ kịch bản không mong muốn nhất, chuyên gia Kanzianis đặt câu hỏi liệu Tổng thống Obama có sẵn lòng nhấc máy nhận cuộc gọi của ông Abe hay không? Liệu những công dân Mỹ có sẵn lòng hy sinh cuộc sống của họ vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư xa xôi?
Chuyên gia Kanzianis đặt vấn đề, xét vốn liếng chính trị của Tổng thống Mỹ, với vỏn vẹn 2,5 năm còn tại nhiệm, liệu ông có dám dấn thân trong hoàn cảnh không rõ ràng cho một cuộc xung đột mà nhiều người sẽ nói là không thuộc lợi ích quốc gia Mỹ? Đặt câu hỏi khác đi, với một cuộc xâm lược rõ ràng của Trung Quốc đối với Senkaku/Điếu Ngư, ông có ủng hộ Nhật Bản vô điều kiện không? Hay rộng hơn, trong những hoàn cảnh nào, Mỹ sẽ đến cứu châu Á?
Theo chuyên gia Kanzianis, chính quyền Obama đã định hình chiến lược “xoay trục” sang châu Á, nhưng khía cạnh bị xem nhẹ của chiến lược này là các cam kết mà Washington đã đưa ra cho các đồng minh có thể sẽ khiến Mỹ trả giá bằng máu và tiền của. Ông cho rằng, quyền lợi quốc gia của Mỹ đang bị đe dọa nếu hiện trạng tại châu Á bị thay đổi, đồng thời đề xuất Mỹ tái cân bằng chính sách đối ngoại sang châu Á. Trật tự quốc tế hiện nay được xây dựng ở châu Á-Thái Bình Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đáng để chiến đấu bảo vệ.
Chuyên gia Kanzianis cho rằng, các đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể nhận thức được những giới hạn quân sự của Mỹ và hành động nhằm tránh một kịch bản xung đột như trên xảy ra trong tương lai gần. Đây có lẽ là lý do Thủ tướng Nhật bản Abe phản ứng theo cách ông đã làm tại Đối thoại Shangri-La vừa qua. Và cũng là lý do tại sao người Úc đang xem xét một vai trò lớn hơn trong khu vực cũng như trên toàn cầu.