Mỹ không hài lòng vì Trung Quốc 'lấp lửng' trong vấn đề Triều Tiên

Đối thoại Mỹ- Trung đồng thuận về chống khủng bố nhưng vẫn bất đồng về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Đối thoại Mỹ- Trung đồng thuận về chống khủng bố nhưng vẫn bất đồng về vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Reuters
TPO - Đối thoại Mỹ - Trung đã kết thúc trong sự không hài lòng của Mỹ khi Trung Quốc không cam kết sẽ đưa ra các biện pháp cứng rắn để kiềm chế Triều Tiên trong vấn đề hạt nhân.
Vấn đề Triều Tiên vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới những bất đồng giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc tại cuộc đối thoại hôm 21/6. Washington tiếp tục yêu cầu Bắc Kinh gây thêm áp lực lên chính quyền Bình Nhưỡng, nhưng có vẻ như đại diện quốc gia đông dân nhất thế giới "không xuôi".

Mặc dù vậy, đại diện Mỹ và Trung Quốc cũng đã có các cuộc thảo luận trực tiếp và tương đối suôn sẻ trong một số vấn đề khác, như chống khủng bố toàn cầu, hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc...

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhắc lại chia sẻ của Tổng thống Donald Trump viết trên Twiter rằng: "Trung Quốc không có đủ những nỗ lực để gây sức ép lên Triều Tiên trong các vấn đề về hạt nhân".

Ngoại trưởng Tillerson cũng lưu ý, các công ty của Mỹ và Trung Quốc không nên hợp tác với những công ty Triều Tiên vốn bị Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách trừng phạt.

Ông Tillerson nhấn mạnh, rằng "Bắc Kinh cần có trách nhiệm ngoại giao để gây áp lực lên Bình Nhưỡng".

Tuyên bố của ông Tillerson cũng cho thấy sự bất đồng giữa Trung Quốc và Mỹ về cách giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Hiện chính quyền của Tổng thống Trump đang chuẩn bị trừng phạt  các công ty Trung Quốc hỗ trợ rửa tiền và các hoạt động phi pháp khác của Triều Tiên.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã cung cấp cho Trung Quốc danh sách những người hoặc cơ quan được cho là ủng hộ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, Heather Nauert, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về việc liệu Trung Quốc có đồng ý ngăn cản việc mua bán của các nhóm trong danh sách này.

Ngày 22/6, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán, rằng việc phi hạt nhân hoá Bán đảo Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đối thoại. Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự nhằm vào chính quyền Bình Nhưỡng.

Trung Quốc cũng phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc.

Ông Zhang Liangui, thuộc Trường Đảng ở Bắc Kinh, cho biết thông điệp của Tillerson đối với Trung Quốc là "rắn bất thường". Ông nói: "Nó cho thấy Washington hiểu, mặc dù miễn cưỡng, áp lực của Mỹ nhằm gây áp lực lên Triều Tiên ít có cơ hội thành công nếu như Trung Quốc tiếp tục chống lại hoặc ngăn chặn một nỗ lực như vậy.

Tôi nghĩ rằng ông Tillerson muốn gây áp lực lên Bắc Kinh bằng cách chỉ ra rằng, khi các phương thức hòa bình như vậy đã chấm dứt, các lựa chọn quân sự sẽ được xem xét".

Theo nhận định của các chuyên gia, Trung Quốc đang ở trong tình thế khó xử vào thời điểm này vì đề xuất của họ từ lâu đã bị Triều Tiên và Mỹ thẳng thừng bác bỏ. Bản thân chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra một kế hoạch thay thế chi tiết nào nếu Triều Tiên từ chối trở lại bàn đàm phán.

Theo South China Morning Post
MỚI - NÓNG