Lenta dẫn thông cáo báo chí của Nhà Trắng ngày 2/3 về kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Cuộc điện đàm được tổ chức theo đề xuất của Mỹ kéo dài khoảng 30 phút. Ông Obama cho rằng việc Nga quyết định đưa quân vào Crimea là hành động vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, điều này sẽ khiến Nga đứng trước nguy cơ bị cộng đồng quốc tế cô lập về chính trị cũng như kinh tế.
Đối với những mối quan ngại của Nga về tình hình người dân Nga và dân tộc thiểu số Nga sống tại Ukraine, Tổng thống Obama cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất là trao đổi một cách thẳng thắn với chính quyền Ukraine một cách hòa bình, hoặc yêu cầu sự can thiệp của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, hoặc các thành viên NATO, OSCE.
Tổng thống Obama khẳng định Mỹ sẽ có các cuộc tư vấn khẩn cấp với các thành viên Hội đồng Bảo an, các thành viên NATO, OSCE, và thành viên hiệp ước Budapest (Bảo đảm an toàn cho Ukraine để giải trừ vũ khí hạt nhân).
Trong khi đó, Văn phòng báo chí của Tổng thống Nga ngày 2/3 cho biết, trong cuộc điện đàm với Obama, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định với người đồng cấp phía Mỹ rằng Nga phải hành động trước các hành vi bạo lực gia tăng ở Ukraine và vùng Crimea, bảo vệ lợi ích của Nga, cũng như sự an toàn của công dân và binh sĩ Nga tại đây.
Cũng trong tối qua (1/3), Tổng thống Nga cũng đã có các cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Tổng thống Pháp Francois Hollande.
Tổng thống Putin nhấn mạnh việc Nga không thể đứng ngoài cuộc trước tình hình bạo lực leo thang ở Ukraine và Crimea chống lại cộng đồng nói tiếng Nga tại đây, và "Nga sẽ hành động trong khuôn khổ cho phép của luật pháp quốc tế."
CẬP NHẬT THÔNG TIN VỀ "ĐIỂM NÓNG" UKRAINE
Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng bảo an diễn ra cùng ngày, đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, ông Vitaly Churkin kêu gọi Ukraine quay về với các thỏa thuận đã đạt được ngày 21/2 giữa chính quyền Yanukovych và phe đối lập.
Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi sẽ là Hội nghị lần thứ 40 trong lịch sử của hiệp hội. Ngoài chủ nhà Nga, còn có sự tham gia của các nguyên thủ Mỹ, Anh, Đức, Ý, Canada, Pháp và Nhật Bản.