Vấn đề tiêm vắc-xin liều ba được đặt ra ở Mỹ sau khi có những báo cáo đáng lo ngại về sự suy giảm hiệu quả của vắc-xin, cũng như sự gia tăng trở lại của số ca mắc COVID-19, số ca nhập viện và tử vong vì biến thể Delta.
Một cuộc khảo sát được Reuters/Ipsos tiến hành hồi cuối tháng Tám trên nhóm đối tượng đã tiêm ít nhất một mũi vắc-xin ngừa COVID-19 ở Mỹ cho thấy có tới 76% số người được hỏi muốn tiêm liều tăng cường. Nhiều người Mỹ đã chấp nhận làm giả hồ sơ tiêm chủng và nói dối rằng mình chưa tiêm đủ liều để được sớm tiêm liều thứ ba.
Dưới áp lực chính trị to lớn, Nhà Trắng vào tháng trước đã công bố kế hoạch triển khai tiêm mũi tăng cường cho toàn dân bắt đầu từ ngày 20/9, dù chưa được cơ quan y tế “bật đèn xanh”.
Ngày 17/9, một uỷ ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm (FDA) Mỹ nhóm họp để xem xét đề xuất của hãng dược Pfizer về việc tiêm liều vắc-xin thứ ba cho nhóm đối tượng từ 16 tuổi trở lên. Uỷ ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng sẽ chuẩn bị cho một cuộc họp vào tuần tới.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chưa ai có thể đưa ra nhận định chắc chắn về quyết định của FDA và CDC, vì giới khoa học vẫn đang tranh cãi quyết liệt về sự cần thiết của việc tiêm mũi thứ ba.
Anthony Fauci, chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ kiêm cố vấn COVID-19 của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cho biết mục tiêu chính của kế hoạch tiêm liều tăng cường là đảo ngược xu hướng gia tăng ca nhiễm “đột phá” (hiện tượng nhiễm virus dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine).
Một nghiên cứu công bố ngày 15/9 trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine cũng cho thấy những người đã tiêm mũi vắc xin Pfizer-BioNTech thứ ba ở Israel có ít nguy cơ nhiễm virus và mắc bệnh nặng hơn so với những người chỉ được tiêm hai mũi.
Trong khi đó, một nghiên cứu được đăng tải tuần này trên tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet lại khẳng định vắc-xin COVID-19 có tác dụng đến mức hầu hết mọi người đều chưa cần tiêm liều tăng cường.
Nhóm chuyên gia thừa nhận “mặc dù hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh có triệu chứng của hầu hết các loại vắc-xin hơi kém hơn đối với biến thể Delta”, nhưng “không có nghiên cứu nào cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về việc vắc-xin giảm đáng kể khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng. Thậm chí, còn có thể có thêm rủi ro tác dụng phụ nếu mũi tăng cường được tiêm quá sớm và quá rộng rãi.”
Trong số các nhà khoa học góp tên trong báo cáo này, có Soumya Swaminathan - nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bác sĩ Marion Gruber - người đứng đầu Văn phòng Nghiên cứu và Đánh giá Vắc xin của FDA cùng cấp phó của bà là bác sĩ Philip Krause. Cả hai đều cho biết họ sẽ rời khỏi FDA vào cuối năm nay.
Sự bất đồng của giới khoa học khiến nhiều người suy đoán rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể phải thay đổi kế hoạch tiêm tăng cường toàn dân sang tập trung cho nhóm người cao tuổi và suy giảm miễn dịch.
Trên bình diện quốc tế, WHO từng nhiều lần kêu gọi các quốc gia tạm dừng tiêm nhắc lại để nhường vắc-xin cho những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Đại diện WHO khu vực châu Phi ngày 16/9 đã lên tiếng cảnh báo tình trạng thiếu vắc-xin trầm trọng “có nguy cơ biến châu Phi trở thành nơi sản sinh ra nhiều loại biến thể kháng vắc-xin, và cuối cùng, điều này có thể đưa cả thế giới trở lại vạch xuất phát.”