Mỹ - Đức nêu điều kiện nới lỏng lệnh trừng phạt Nga

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận Mink
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Obama nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận Mink
TPO - Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, kết quả của việc thực thi thỏa thuận Minsk là điều kiện đầu tiên trong chuỗi các giải pháp nới lỏng biện pháp trừng phạt chống lại nước Nga.

Hãng tin Lenta sáng nay, 19/3, dẫn thông báo của Nhà Trắng cho biết: Tại cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa diễn ra, nguyên thủ hai quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi thỏa thuận Minsk tại khu vực miền Đông của Ukraine.

“Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ và kịp thời của các thỏa thuận Minsk nhằm tiến tới việc giải quyết cuộc xung đột phía Đông – Nam Ukraine một cách hòa bình và lâu dài.

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức khẳng định,  các biện pháp trừng phạt đối với Nga, sẽ không được nới lỏng, một khi Moscow không ‘hoàn thành nghĩa vụ’ theo tinh thần của thỏa thuận Minsk”.

Thông báo của Nhà Trắng cũng cho biết, ông Obama và bà Merkel cũng khẳng định tiếp tục cung cấp hỗ trợ kinh tế cho Ukraine để thực hiện cải cách.

Hôm 16/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng phương Tây đã sẵn sàng cho lệnh trừng phạt mới chống lại Nga. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ Đức cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột phía Đông Ukraine.

Trước đó, ngày 13/3, tuyên bố sau cuộc hội đàm giữa Cố vấn Tổng thống về an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, giới chức Mỹ và Đức cho biết việc Nga có thể phải đối mặt với lệnh trừng phạt mới đối với những vi phạm thỏa thuận Minsk.

Trong một diễn biến liên quan. Theo phân tích của hãng tin Bloomberg một ngày trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh, có 7 quốc gia sẽ phủ quyết bất kỳ đề xuất nào về việc gia hạn các lệnh trừng phạt hiện nay nhằm vào Nga, trong số 7 quốc gia này có Síp, Italy và Hy Lạp.

Theo đó, Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades đã đến Moscow vào tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng 3 này và Tổng thống Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ đến Nga vào tháng 4 tới. Ngoài 3 quốc gia nói trên, Hungary, Slovakia, Áo và Tây Ban Nha cũng rất lưỡng lự trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Nhà phân tích Steven Blockmans thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu có trụ sở tại Brussels, Bỉ, cho rằng: “Việc các nước không muốn gia hạn các lệnh trừng phạt cho thấy họ đã gia tăng niềm tin đối với Nga”.

Theo Theo Lenta
MỚI - NÓNG