Đức 'tung đòn' với Mỹ để kết thân lại với Nga?

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
TPO - Đức - cường quốc hàng đầu Châu Âu đang là nước phản đối, chỉ trích Mỹ mạnh mẽ nhất trong lập trường đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chính sách với Nga. Việc tình báo Đức vừa đưa ra thông tin 'bóc mẽ' sự gian lận của tướng Mỹ về tình hình ở Ukraine được giới phân tích nhận định là bằng chứng lớn cho thấy sự quay lưng của Đức với Mỹ để kết thân với Nga.

Bóc mẽ tướng Mỹ

Sau khi lệnh ngừng bắn đạt được tại Minsk, tình báo Đức nhận định rằng khu vực đông Ukraina có sự yên ắng hơn, giao tranh hầu như chấm dứt và vũ khí hạng nặng được rút dần ra. Berlin cho rằng dù lệnh ngừng bắn không hoàn toàn trọn vẹn, nhưng vẫn được thực thi.

Điều này trái ngược với những gì Tướng Philip Breedlove, chỉ huy NATO tại châu Âu phát biểu trước báo giới Washington về tình hình Ukraine khi ông này cho rằng ‘trên một ngàn xe tăng chiến đấu, các lực lượng chiến đấu của Nga, cùng với hệ thống phòng không tối tân nhất, các pháo phòng không’ đang được gửi tới Donbass. Ông Breedlove nói thêm: "điều rõ ràng là tình hình lúc này không khả quan hơn chút nào. Mỗi ngày lại một tệ hơn".

Giới chức lãnh đạo Đức  cũng tỏ ra bất đồng quan điểm với Bộ Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu (SACEUR) khi cho rằng ông Breedlove luôn có con số thống kê binh sĩ và vũ khí của Nga tại đông Ukraina cao hơn hẳn so với của Berlin. Các nguồn tin từ văn phòng Thủ tướng Đức coi các bình luận của ông Breedlove là sự ‘tuyên truyền nguy hiểm’.

Đức coi ông Breedlove cùng với bà Victoria Nuland, Trưởng bộ phận châu Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, là những gương mặt ‘siêu diều hâu’ trong cuộc xung đột tại Ukraina. Đây là những người nỗ lực theo đuổi chủ trương chuyển vũ khí sang chiến trường Ukraina. 

Theo tờ Der Spiegel, giới chức diều hâu ở Mỹ, trong đó có những nhân vật như bà Victoria Nuland – người phụ trách các vấn đề Châu Âu của Bộ Ngoại giao Mỹ; Tướng Philip Breedlove – Chỉ huy Tối cao quân NATO ở Châu Âu, đang tìm cách gây bất ổn cho nước Nga và làm suy yếu ảnh hưởng của nước này.

Để đạt được mục đích đó, họ đang tìm cách làm leo thang căng thẳng giữa phương Tây và Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phá hoại các nỗ lực hoà bình do Đức và Pháp dẫn đầu. Mặc dù Tổng thống Mỹ hiện ủng hộ cho sáng kiến của Châu Âu trong vấn đề Ukraine nhưng ông này “lại không có mấy động thái để dẹp yên những kẻ đang cố tìm cách làm gia tăng căng thẳng với Nga và cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine”.

Phản đối cung cấp vũ khí sát thương

 

Đức cũng là một trong những nước phản đối công khai và mạnh mẽ nhất việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm của Mỹ và NATO. Giới chức Mỹ và NATO đang ra sức kêu gọi các nước cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.

Cách hành xử của giới chức Mỹ và NATO hiện giờ gây khó hiểu bởi giữa lúc tình hình Ukraine đang có những tiến triển tích cực, mang lại hy vọng thì siêu cường số 1 thế giới lại ra sức đòi cung cấp vũ khí gây sát thương cho Kiev và tăng cường trừng phạt Nga. 

Trước đó Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố bà phản đối ý tưởng phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại quân ly khai.

“Tôi cho rằng có thêm vũ khí không giúp gì được cho tình hình ở Ukraine. Tôi tin rằng không có một giải pháp quân sự nào để xử lý cuộc xung đột này”, Bà Merkel khẳng định.

Muốn gắn kết với Nga

Nga và Đức từ lâu đã được xem là hai người bạn thân thiết hàng đầu ở Châu Âu. Quan hệ giữa Nga với Đức không chỉ dựa trên tình cảm gắn bó về mặt lịch sử, địa lý mà còn dựa trên lợi ích kinh tế to lớn. Hai nước là những đối tác kinh tế, đầu tư và thương mại hàng đầu của nhau.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong EU. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đức sang Nga lên tới 36 tỷ euro, bằng gần 1/3 tổng kim ngạch của cả châu Âu.

Khoảng 6.200 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tích cực tại Nga với số vốn đầu tư vào khoảng 20 tỷ euro. Ủy ban quan hệ kinh tế Đông Âu của Đức cho biết, 300.000 việc làm ở Đức phụ thuộc vào giao dịch thương mại với Nga, đối tác thương mại lớn thứ 11 của nước này.

Nền kinh tế của Đức dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và thị trường tiêu thụ khổng lồ của Nga.  Đức phải nhập khẩu một phần ba lượng dầu và khí đốt cần dùng từ Nga. Ngược lại, 14% sản phẩm mà người Nga nhập khẩu được sản xuất tại Đức.

Tuy nhiên, mối quan hệ trên đã bị sứt mẻ kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Dưới sức ép mạnh mẽ của Mỹ và các đồng minh, Đức đã ủng hộ việc áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và kết quả là Đức đang phải hứng chịu hậu quả từ việc này.

Hiện tại nhiều công ty Đức đã lên tiếng than vãn về các tác động tiêu cực bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine liên quan tới các lệnh trừng phạt Nga và trả đũa của Moscow, trở thành những nạn nhân của cuộc chơi giữa các nước lớn.

Chính vì thế việc kéo dài tình trạng đối đầu với Nga là điều hoàn toàn không có lợi cho Đức nói riêng và Châu Âu nói chung nên Đức đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, từ đó mở đường cho việc khôi phục trở lại quan hệ với Nga. Đó cũng là điều lí giải tại sao Đức hay 'bật' Mỹ đến thế!

MỚI - NÓNG