Nhóm tàu tấn công của lực lượng Hải quân Mỹ trên đường tới Vịnh Ba Tư . |
Theo thông tin từ cơ quan báo chí thuộc Hải quân Mỹ, thành phần nhóm tấn công đóng quân tại San Diego (California) bao gồm: tàu ngầm hạt nhân. tàu đổ bộ Peleliu, tàu ụ trực thăng đổ bộ Green Bay, ụ vận tải Rushmore, tiểu đoàn thủy quân lục chiến, một đơn vị đặc nhiệm, phi đội chiến đấu và các trực thăng vận tải quân sự, phi đội chiến đấu cơ cất cánh và hạ cánh thẳng đứng cùng lực lượng thủy quân lục chiến và thủy thủ lên tới 2.400 quân.
Thời hạn có mặt ở Trung Đông của lực lượng này dự kiến là 6 tháng để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, hỗ trợ nhân đạo, chống hải tặc trên biển, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, và sẵn sàng “thực hiện loạt nhiệm vụ theo chỉ đạo của Lầu Năm Góc”.
Đáng chú ý, việc Hải quân Mỹ điều động một số lượng lớn khí tài cũng như binh sỹ tới Vịnh Ba Tư vào thời điểm Iran vừa kết thúc cuộc tập trận quân sự kéo dài 2 ngày quy mô nhất từ trước tới nay của lực lượng các quân binh chủng của nhà nước Hồi giáo này.
Theo kênh truyền hình State TV của Iran, cuộc tập trận diễn ra trên một vùng rộng lớn ở phía Tây nước này, giáp giới Iraq. Trong bài diễn tập, các binh sỹ Iran đã nhảy dù từ trực thăng gần các thị trấn Sarpol-e Zahab và Qasr-e Shirin, cách Tehran chừng 700 km về phía Tây.
Trước đó, ngày 27-8, Mỹ đã điều tàu sân bay USS John Stennis cùng một số tàu chiến cảnh giới tác chiến, tàu ngầm hạt nhân và 2.000 binh sỹ đến khu vực này theo yêu cầu của Tư lệnh quân đội Mỹ tại khu vực Trung Đông.
Tàu sân bay USS John Stennis . |
Hạm đội này được điều tới đây sớm hơn bốn tháng so với dự kiến, sau khi tàu sân bay USS Enterprise kết thúc thời gian phục vụ tại Vịnh Ba Tư, trở về căn cứ Hải quân ở Norfolk (bang Virginia) hôm 16-10.
Ngoài ra, Washington cũng đã quyết định tăng gấp đôi số tàu quét thủy lôi trong khu vực, giúp Mỹ linh hoạt hơn khi đối phó với nỗ lực thả thủy lôi của Iran tại eo biển Hormuz cửa Vịnh Ba Tư, nơi thường xuyên được chiến hạm Iran và Mỹ tuần tra.
Iran nhiều lần đe dọa đóng cửa eo biển, tuyến đường biển vận chuyển khoảng một phần năm lượng dầu mỏ của thế giới, để trả đũa cho các biện pháp trừng phạt gia tăng của phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Trong khi đó, Washington cũng quan ngại đối với những động thái từ Tehran. “Một trong những mối đe dọa lợi ích của Mỹ trong khu vực là ý định của Iran muốn đóng cửa Eo biển Hormuz và các sự kiện đang diễn ra ở Syria”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết.