BBC cho hay khoảng 100 lính thủy đánh bộ Mỹ, cùng 2 máy bay trực thăng và 4 chiếc máy bay Ospreys có khả năng lên thẳng đã có mặt tại thủ đô Kathmandu của Nepal. Sáu chiếc máy bay này sẽ bắt đầu đảm đương nhiệm vụ cứu trợ từ sáng nay 4/5.
Tướng Paul Kennedy thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ phát biểu trước báo giới rằng: “Chúng tôi có đội tìm kiếm và cứu hộ đang đợi để di chuyển tới các vùng xa xôi để cứu trợ các nạn nhân động đất. Chúng tôi mang theo các đồ tiếp tế và các lều trú ẩn”.
Tính đến hết ngày 3/5 khoảng hơn 7.200 nạn nhân đã thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter tại Nepal, trong khi ít nhất 14.021 người đã bị thương.
Tâm chấn trong ngày 25/4 nằm tại Gorkha, một vùng đồi núi hẻo lánh. Nhiều con đường dẫn đến vùng Gorkha đã bị tắc nghẽn, không thể vượt qua sau các trận lở đất.
Thời tiết xấu cùng các trận lở đất sau động đất đã ngăn cản các nỗ lực cứu hộ tại nhiều vùng hẻo lánh. BBC dẫn thông báo của chính phủ Nepal cho hay con số thương vong được cho là sẽ tăng lên trong khi hoạt động cứu hộ đang được tiến hành tại các vùng đồi núi như Dhading, Rasuwa và Sindhupalchok.
BBC dẫn lời một người quản lý sân bay Tribhuvan nói rằng, các máy bay cỡ lớn không được phép hạ cánh vì lo ngại tình trạng đường băng không tốt sau trận động đất và hàng loạt cơn dư chấn. Sân bay Tribhuvan có diện tích chỉ đủ cho 9 máy bay và chỉ có 1 đường băng.
Tuy vậy, một phát ngôn viên của chính phủ Nepal ngày 3/5 cho hay lệnh cấm này sẽ không ảnh hưởng đến các chuyến bay cứu trợ động đất.
Cùng ngày, phía Liên Hợp Quốc cho biết hàng rào hải quan tại Nepal, vốn ngăn chặn các nỗ lực chuyển hàng cứu trợ, đã được “giảm thiểu”.