Mỹ, Anh, Úc tính chuyện hợp tác với Nhật Bản theo cơ chế AUKUS

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Anh, Mỹ và Úc đang xem xét vấn đề hợp tác với Nhật Bản thông qua khuôn khổ an ninh AUKUS, bất chấp những hạn chế về kiểm soát xuất khẩu của Mỹ gây khó khăn cho nỗ lực của các thành viên hiện tại.
Mỹ, Anh, Úc tính chuyện hợp tác với Nhật Bản theo cơ chế AUKUS ảnh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu về quan hệ đối tác AUKUS tại Căn cứ Hải quân Point Loma, ngày 13/3/2023. (Ảnh: Reuters)

Anh cho biết, quá trình tham vấn về hợp tác trong tương lai giữa 3 đối tác AUKUS và các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, sẽ bắt đầu trong năm nay.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 10/4 tại Washington dự kiến sẽ bàn đến khả năng Nhật Bản tham gia các dự án “năng lực nâng cao” của AUKUS.

Tuy nhiên, các quan chức và chuyên gia cho rằng vẫn còn trở ngại do Nhật Bản cần triển khai các biện pháp phòng thủ mạng tốt hơn và quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ bí mật.

AUKUS được 3 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Úc thành lập từ năm 2021.

Trong trụ cột thứ nhất, các thành viên sẽ thiết kế và chế tạo tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân để trang bị cho Úc. Tuyên bố không đề xuất Nhật Bản sẽ tham gia vào phần này của hiệp ước.

Trụ cột thứ hai tập trung vào việc phát triển những năng lực tiên tiến và công nghệ chia sẻ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm điện toán lượng tử, công nghệ dưới biển, siêu âm, trí tuệ nhân tạo và công nghệ mạng.

Trong tuyên bố chung do Chính phủ Anh công bố, Anh, Mỹ và Úc cho biết: “Nhận thấy sức mạnh của Nhật Bản và mối quan hệ đối tác quốc phòng song phương chặt chẽ với cả ba nước, chúng tôi đang xem xét hợp tác với Nhật Bản trong các dự án nâng cao năng lực AUKUS Trụ cột II”.

Tuyên bố cho biết, các thành viên AUKUS từ lâu đã xác định rõ ràng ý định đưa các quốc gia khác tham gia Trụ cột II và sẽ tính đến các yếu tố: Đổi mới công nghệ, tài chính, sức mạnh công nghiệp, khả năng bảo vệ đầy đủ dữ liệu và thông tin nhạy cảm cũng như tác động thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngày 8/4, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết chưa có quyết định nào về việc hợp tác với AUKUS.

Trung Quốc gọi AUKUS là hiệp ước nguy hiểm, cho rằng cơ chế này khuyến khích chạy đua vũ trang trong khu vực.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG