Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại cuộc họp báo. (Ảnh: AP) |
“Chúng tôi đánh giá tích cực mục đích của AUKUS và dự định sẽ duy trì quan hệ đối tác với các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Nhật Bản không có ý định tham gia cấu trúc này”, Thủ tướng Kishida nói khi trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề này.
“Đối với Nhật bản, chúng tôi không nghĩ gì đến việc tham gia AUKUS vào lúc này, nhưng các đối tác quan trọng của chúng tôi trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng như Úc, Anh, và Mỹ là thành viên AUKUS. Chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác gần gũi với những quốc gia này”, ông Kishida nói.
Trước đó, một số báo đưa tin Nhật Bản nhận được lời mời tham gia AUKUS. Tuy nhiên, thông tin này đã chính thức bị phủ nhận.
Tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo Mỹ, Úc và Anh thông báo thành lập AUKUS. Theo đó, Úc sẽ được sử dụng công nghệ của Mỹ để chế tạo ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân được trang bị tên lửa hành trình, dự kiến chiếc đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2036.
Sau đó, các bên thông báo ý định hợp tác phát triển vũ khí siêu thanh.
Sự ra đời của liên minh này khiến Trung Quốc khó chịu, cho rằng sẽ làm tăng tình trạng chạy đua vũ trang ở khu vực. Nga chê AUKUS hạn hẹp, không thể trở thành nền tảng an ninh cho châu Á - Thái Bình Dương.
Cũng trong cuộc họp báo, Thủ tướng Kishida khẳng định Nhật Bản mong muốn hợp tác chặt chẽ với Úc để thúc đẩy hợp tác giữa các đảo quốc Thái Bình Dương. Tokyo chia sẻ quan ngại của Canberra về thỏa thuận an ninh gần đây giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ thăm Quần đảo Solomon trong tuần này để chính thức hóa thỏa thuận.