Trung Quốc chỉ trích IAEA vì ủng hộ kế hoạch tàu ngầm hạt nhân của liên minh AUKUS

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 16/9, Trung Quốc tranh luận gay gắt với liên minh AUKUS (gồm ba nước Mỹ, Anh, Úc) tại tổ chức giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc về kế hoạch của liên minh nhằm cung cấp tàu ngầm hạt nhân cho Úc.
Trung Quốc chỉ trích IAEA vì ủng hộ kế hoạch tàu ngầm hạt nhân của liên minh AUKUS ảnh 1

Logo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)

Liên minh mới được Washington, London và Canberra tuyên bố thành lập từ năm ngoái để giúp Úc sắm ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết các tàu này sẽ sử dụng “urani làm giàu cấp độ cao”, gợi ý rằng nhiên liệu có thể đạt cấp độ vũ khí hoặc gần mức đó.

Cho đến nay, mới có 5 quốc gia, gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc Anh và Pháp, trong tất cả các nước tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Tàu ngầm sử dụng năng lượng này có thể ở dưới nước lâu hơn tàu ngầm truyền thống và khó bị phát hiện hơn.

“AUKUS liên quan đến việc chuyển giao trái phép vật liệu vũ khí hạt nhân, tạo thành hành động phổ biến vũ khí hạt nhân”, Trung Quốc đề cập trong tài liệu gửi đến các quốc gia thành viên IAEA nhân cuộc họp trong tuần này của Ban giám đốc IAEA.

Úc khẳng định họ không thể và không sẵn sàng dùng nhiên liệu trong tàu ngầm để làm vũ khí hạt nhân.

Các nước AUKUS và IAEA cho biết Hiệp định không phổ biến hạt nhân cho phép sở hữu động cơ đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân trên biển, với điều kiện phải có thoả thuận với IAEA.

Trung Quốc phản đối điều này vì cho rằng vật liệu hạt nhân sẽ được chuyển đến cho Úc chứ không phải do nước này sản xuất. Bắc Kinh cho rằng IAEA đang vượt quá quyền hạn của mình và yêu cầu phải có quy trình liên chính phủ để xem xét vấn đề, thay vì để IAEA quyết định.

Trong tài liệu quan điểm dài 7 trang, Trung Quốc cho rằng AUKUS đang tìm cách biến IAEA “thành con tin” để có thể “tẩy trắng” hành động phổ biến hạt nhân.

Tàu ngầm hạt nhân là vấn đề khó giám sát vì chúng hoạt động trên biển. Tổng giám đốc IAEA Grossi cho biết ông hài lòng với sự minh bạch của AUKUS cho đến nay.

Những cãi vã vừa qua sẽ không thay đổi cách tiếp cận của IAEA đối với kế hoạch tàu ngầm của liên minh AUKUS. Tuy nhiên, nó cho thấy Trung Quốc tiếp tục nỗ lực phản đối và ngăn cản, bất chấp rủi ro có thể làm hại quan hệ với IAEA.

“Chúng tôi quan ngại sâu sắc khi biết rằng Trung Quốc hoài nghi tính hợp pháp và toàn vẹn của IAEA. Các đối tác AUKUS hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Tổng giám đốc IAEA và Ban thư ký trong triển khai các nhiệm vụ và sứ mệnh của tổ chức”, AUKUS đề cập trong tuyên bố gửi đến Ban giám đốc IAEA ngày 16/9.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG