Sự việc diễn ra đột ngột và cùng lúc trở thành người thất nghiệp khiến cả hai vợ chồng chị không khỏi choáng váng, nhất là gánh nặng nuôi hai con ăn học và gia đình ở quê. “Cuối năm mà đột ngột mất việc, không biết tính sao. Về quê thì ruộng đất không có, không biết làm gì sống…”, chị T.T.H bày tỏ sự lo âu.
Vợ chồng chị H. là hai trong số gần 1.200 công nhân của Công ty TNHH Tỷ Hùng (phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) bất ngờ bị sa thải kể từ ngày đầu tháng 11 này do công ty thiếu đơn hàng và việc làm.
Cũng vì thiếu đơn hàng, kể từ giữa năm nay hàng loạt doanh nghiệp ngành may mặc, da giày, gỗ, vật liệu xây dựng…ở khu vực miền Đông Nam bộ đã phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, giảm giờ làm, cho công nhân nghỉ luân phiên các ngày trong tuần…. Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã công bố kế hoạch hoặc dự kiến cho công nhân nghỉ Tết sớm và tăng thời gian nghỉ gấp đôi so với mọi khi. Đây được hiểu là một giải pháp tình thế trong hoàn cảnh thiếu đơn hàng và việc làm kéo dài.
Vì vậy, mặc dù được nghỉ sớm và dài ngày, có nhiều cơ hội sum họp gia đình trong dịp Tết, việc đi lại cũng bớt khó khăn, song người lao động hầu như không cảm thấy vui mừng. Thay vào đó là tâm trạng lo âu vì việc làm không ổn định, thu nhập sụt giảm khiến đời sống khó khăn và bấp bênh. Trong khi đó, kinh tế sau dịch chưa hoàn toàn phục hồi, sức mua còn thấp và thị trường đang bị thu hẹp nên việc khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại. Cơ hội việc làm của người lao động cũng vì thế chưa có nhiều triển vọng khả quan.
Trong tình cảnh đó, rất nhiều lao động ở các khu vực công nghiệp buộc phải hồi hương hoặc tìm kiếm công việc khác để mưu sinh. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, về quê không được, ở lại cũng không xong. Không ruộng đất nên về quê không biết làm gì để sống. Chưa kể, bị tách khỏi môi trường sống đó đã lâu, muốn bắt lại nhịp phải mất rất nhiều thời gian và các điều kiện khác. Ở lại thành phố cũng không dễ tìm việc bởi hầu hết các nhà máy, xí nghiệp cũng đều trong tình trạng thiếu việc làm, phải thu hẹp sản xuất. Với những lao động lớn tuổi, khả năng chuyển đổi ngành nghề, tìm công việc mới càng trở nên khó khăn.
Làn sóng mất việc của công nhân và người lao động trong khu vực công nghiệp hậu COVID-19 đang hiện hữu, đồng thời bộc lộ rõ những tác động tiêu cực và không ít bất cập. Không khó để nhận thấy sự bất ổn định trong một bộ phận không nhỏ người lao động thuộc khu vực sản xuất công nghiệp tập trung. Họ dễ dàng bị chủ doanh nghiệp bỏ rơi khi gặp khó khăn. Là lực lượng chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội, song đời sống của họ lại ở mức thấp kém, bấp bênh và đó là một nghịch lý. Rất cần các chính sách về an sinh xã hội của Nhà nước đủ mạnh, kịp thời giúp đảm bảo sự an toàn cho người lao động khi họ sa cơ lỡ bước.