Muốn dương cầm gần lại với người dân

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng
TP - Trang nói, muốn mọi người đều thấy piano hay nhạc cổ điển là bình thường, không hề xa lạ.

Vóc dáng nhỏ bé, nhưng Trang Trịnh lại nuôi một tham vọng lớn và đầy chông gai: đưa nhạc cổ điển đến với đại chúng. Suốt năm qua, cô đã đi từ Bắc vào Nam để thực hiện điều đó qua dự án âm nhạc Nhật ký Dương cầm.

Đây là một dự án âm nhạc dài hơi của Trang, mà chương trình biểu diễn Nhật ký Dương cầm tại Hà Nội và TPHCM trong năm 2011 chỉ là mở đầu. Nội dung biểu diễn của Nhật ký Dương cầm theo một cốt truyện, như những dòng nhật ký do Trang tạo ra.?Trang tiết lộ, trong năm 2012, cô sẽ tiếp tục với Khúc dạo đầu gồm những câu chuyện từ chính khán giả, những người bạn của mình.

Đi dạy nhạc thần tốc

Mở đầu buổi diễn Nhật ký Dương cầm, Trang bắt đầu chơi nhạc với lời dẫn cùng dòng chữ: “Ngày này tôi…” đưa người nghe vào câu chuyện của mình. Rồi cứ thế, bản nhạc cứ trôi đi cùng với những hình ảnh và lời dẫn theo lối viết nhật ký.

Trang không ngờ, cách dẫn chuyện như vậy đã tạo được hiệu ứng tốt từ khán giả. Những tín đồ trung thành của nhạc cổ điển thì cho rằng, nhạc cổ điển phải cổ điển hoàn toàn, sân khấu phải trống trơn, chỉ để nghe thôi. Những người ủng hộ thì cho rằng cách làm này giúp họ thấy dễ hiểu và được tôn trọng.

Nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc đánh giá cao ý tưởng này của Trang. Ông cho biết, âm nhạc của Trang Trịnh như một tòa lâu đài lộng lẫy, nếu không đi vào trong thì làm sao biết được nó đẹp. Một khán giả là sinh viên đại học sau khi xem chương trình của Trang đã viết trên facebook rằng: “ Mình cũng hay nghe nhạc cổ điển, nhưng chưa bao giờ nghe một chương trình như thế… Mình cảm thấy mình cần phải… sống chậm lại”.

Trong hai tháng cuối năm 2011, Trang Trịnh đã lưu diễn từ Bắc vào Nam, đặc biệt là Cần Thơ và Đà Nẵng, những nơi khán giả ít có cơ hội được nghe nhạc cổ điển. Khi chuẩn bị cho chương trình Nhật ký Dương cầm, Trang đã thực hiện một clip 30 giây, trong đó Trang mang đàn piano ra giữa sân Nhà hát lớn Hà Nội và chơi. Mọi người qua đường đều đi qua, chỉ có một em bé để ý và đứng xem.

Trang đã cố gắng chơi đàn thật hay, chơi với tất cả tấm lòng mình. Vấn đề chính là khán giả có mở lòng ra với nghệ thuật hay không, có tạm dừng những bộn bề của cuộc sống để ghé lại và lắng nghe một chút không.

Trước khi đem Nhật ký Dương cầm về Việt Nam, Trang đã thành công ở nước ngoài. Đối với Trang, đêm diễn Nhật ký Dương cầm, hay biểu diễn những đêm nhạc “học thuật” như concerto với dàn nhạc... đều đòi hỏi sự nghiêm túc và trân trọng khán giả. Sự khác biệt là ở phương pháp tiếp cận. Điều này Trang học được trong thời gian sống tại London khi có cơ hội được cộng tác với các nhà hoạt động âm nhạc và phóng viên của các chương trình chuyên về quảng bá nhạc cổ điển như BBC Proms, Radio 3, Classic FM…

Sau hai đêm diễn trực tiếp Nhật ký Dương cầm, Trang đã có một phiên bản Nhật ký Dương cầm phát trên kênh VTV6. Nhưng với Trang, biểu diễn trên sân khấu dường như vẫn còn có khoảng cách với khán giả. Khán giả xem xong rồi ra về hoặc tắt TV đi, ít khi để lại cảm xúc gì.

Trang muốn tạo hiệu ứng dây chuyền đến với khán giả bằng cách đến tận nhà họ để nói chuyện về âm nhạc hoặc dạy con họ đánh đàn. Có những người chưa hề biết đến phím đàn piano là gì, chỉ sau 30 phút nói chuyện với Trang là có thể đánh được bản nhạc đơn giản. Thậm chí có người có thể biểu lộ vui, buồn, giận dữ… trên phím đàn.

Nhiều người đã rất sự ngạc nhiên trước việc dạy đàn thần tốc này, Trang giải thích: “Cuộc chơi nào cũng cần có “luật” chơi - giống như chúng ta không thể thưởng thức bóng đá hay trượt băng nghệ thuật một cách sâu sắc và hứng thú nếu không biết được “luật chơi” của nó. Âm nhạc cổ điển là một cuộc chơi bằng âm thanh và có quy luật riêng của nó. Nếu hiểu thì việc cảm nhận âm nhạc sẽ trở nên dễ dàng”.

Hiện Trang đang tiếp tục chuẩn bị cho Nhật ký Dương cầm II với tựa đề Khúc dạo đầu. Nếu như Nhật ký Dương cầm I là tự sự của người nghệ sỹ thì Nhật ký Dương cầm II lấy nội dung từ câu chuyện của người bạn, chẳng hạn như tâm trạng trước đêm tân hôn sẽ thế nào, cảm giác sinh con ra làm sao…

Muốn dương cầm gần lại với người dân ảnh 1
 

Nhớ nhất chậu nước mùi ngày Tết

Trang Trịnh tên đầy đủ là Trịnh Mai Trang sinh năm 1986 tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ Âm nhạc chuyên ngành biểu diễn Piano tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (RAM), từng được mời làm việc cho Dàn nhạc All Souls Orchestra, một dàn nhạc lớn tại London, thực hiện nhiều chuyến lưu diễn quốc tế…

Năm 2006, Trang Trịnh đoạt giải cao nhất trong cuộc thi chọn người độc tấu trong Festival “Paganini”. Các năm 2007, 2008, 2009, cô liên tiếp giành nhiều giải thưởng quốc tế.

Bảy cái Tết xa nhà, bảy lần Trang nhớ cái lạnh đặc biệt của Hà Nội và căn nhà nhỏ ấm cúng. Tết ở London cũng như những ngày bình thường khác, nhưng Trang chắc chắn sẽ gọi điện về nhà, hoặc xem trực tuyến chương trình truyền hình đón giao thừa. Những lúc ấy nhớ nhà lắm, nhớ nhất là chậu nước mùi mà mọi người thay phiên nhau chờ đun sôi để đến lượt tắm trước khi đón năm mới.

Trang rất thích cảm giác sạch sẽ và mới mẻ sau khi tắm xong. Dường như bao muộn phiền năm cũ đều tan biến hết. Có khi ở London cũng muốn tìm lá mùi để tắm (ở London cũng có thể tìm được, nhưng rồi lại thôi, vì sợ nhớ Tết Việt quá không chịu nổi. Năm nay Trang sẽ có dịp đón Tết với gia đình tại Hà Nội.

Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Trang chỉ là một trong số rất nhiều em nhỏ học đàn trong những năm 1990, khi phong trào đàn phím (keyboard) rộ lên ở Hà Nội. Vài tháng sau khi bắt đầu học đàn phím, Trang chuyển sang học piano. Tài năng bẩm sinh của cô sớm được phát hiện và không lâu sau đó, cô theo học tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Năm 2004 đánh dấu mốc quan trọng trong việc học tập của Trang Trịnh là việc được đặc cách theo học tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh dưới sự hướng dẫn của hai giáo viên giỏi là Christopher Elton và Hilary Coates.

Muốn dương cầm gần lại với người dân ảnh 2

Sướng luyện chứ không phải khổ luyện

Điều kỳ diệu mà đến bây giờ Trang vẫn không hiểu được là làm thế nào mà bố mẹ lại thuyết phục được một đứa bé 4 tuổi ham chơi như Trang kiên trì theo đuổi âm nhạc. Trang vẫn nhớ việc không được xem chương trình Khăn Quàng Đỏ và hoạt hình Tom & Jerry trong khi lũ trẻ hàng xóm đang nắc nẻ cười.

Trong khi bạn bè rủ nhau đi ăn quà buổi chiều thì Trang phải đi về tập đàn. Tuy nhiên, Trang không muốn gọi những ngày tháng đó là “khổ luyện”, vì từ lúc nào đó Trang bắt đầu yêu âm nhạc, yêu cảm giác được chia sẻ không giấu giếm những cảm xúc của mình qua cây đàn piano... Trang tâm sự: “Việc được làm thứ mình thích và theo đuổi ước mơ của mình, thì phải gọi là “sướng luyện” mới đúng”.

Không chỉ mong ước đưa âm nhạc đến với đông đảo khán giả, Trang còn muốn tạo cơ hội học tập âm nhạc cho các em nhỏ. Vì thế, cô đã thành lập “Quỹ phát triển tài năng âm nhạc Việt Nam”. Trong đêm diễn Nhật ký Dương cầm tại TPHCM, Trang đã biểu diễn cùng Vũ Văn Tư, em nhỏ khiếm thị nhưng rất có tài.

Tư là em nhỏ đầu tiên được cung cấp học phí học nhạc từ Quỹ, và Trang hy vọng em sẽ trở thành nghệ sỹ chơi jazz như em mong ước. Ngoài việc tập trung tập luyện và biểu diễn, Trang cũng đang nuôi dưỡng những dự án giáo dục âm nhạc.

Sợ gương

Ít ai biết rằng, nếu không có lòng đam mê và nghị lực phi thường, Trang đã mãi mãi rời xa phím đàn từ khi cánh tay của cô bị chấn thương. Bác sĩ không cho Trang tiếp tục tập đàn thông thường.

Trong thời gian điều trị vật lý trị liệu, Trang phải học lại cách đánh đàn cơ bản với chiếc gương soi bên cạnh để chỉnh tư thế. Việc chăm chỉ tập luyện khiến cánh tay Trang hồi phục ngoài mong đợi của bác sỹ. Đến giờ, chiếc gương soi vẫn là nỗi ám ảnh của cô và cô rất sợ treo gương trong phòng ngủ của mình. 

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.