Muốn đi tàu Cát Linh - Hà Đông vẫn phải chờ

0:00 / 0:00
0:00
Từ ngày 31/3, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu vào giai đoạn kiểm đếm, bàn giao hồ sơ từ Bộ GTVT sang Hà Nội. Ảnh chụp đoàn tàu vận hành thử sáng 31/3. Ảnh: Phạm Thanh
Từ ngày 31/3, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu vào giai đoạn kiểm đếm, bàn giao hồ sơ từ Bộ GTVT sang Hà Nội. Ảnh chụp đoàn tàu vận hành thử sáng 31/3. Ảnh: Phạm Thanh
TP - Từ ngày 31/3, Ban quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Công ty Metro Hà Nội và Tổng thầu EPC bắt đầu bàn giao hồ sơ Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Tiến trình này kéo dài từ 3 đến 4 tuần và diễn ra song song với hoàn thiện các khuyến cáo về an toàn của tư vấn độc lập. Sau phần kiểm đếm, Bộ GTVT mới bàn giao chính thức dự án cho UBND TP Hà Nội, để đưa vào khai thác thương mại vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 tới.

16 khuyến nghị về an toàn khi khai thác thương mại

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để chuẩn bị bàn giao Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31/3, các đơn vị đại diện hai bên sẽ phối hợp với tổng thầu EPC thực hiện kiểm đếm và bàn giao hồ sơ dự án. Phía Bộ GTVT là Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư), phía Hà Nội là Công ty Metro Hà Nội (đơn vị sẽ vận hành khai thác).

“Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm ký bàn giao, đưa dự án vào khai thác. Dự kiến việc kiểm đếm, bàn giao hồ sơ mất từ 3 đến 4 tuần, do đây là dự án lớn, phức tạp, nhiều hạng mục, cả hạ tầng lẫn các phần mềm điều hành, mất nhiều thời gian. Song song với đó, các bên tiếp tục hoàn thiện theo khuyến cáo an toàn của Tư vấn ACT (Pháp), để bàn giao xong sẽ khai thác thương mại ngay”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, Thủ tướng yêu cầu hoàn thành dự án muộn nhất ngày 31/3 và hiện tại đã về đích đúng hạn khi kết thúc giai đoạn đầu tư, nghiệm thu ở Bộ GTVT và đã thanh toán cho nhà thầu trên 90% giá trị hợp đồng. Thường trực Hội đồng kiểm tra Nhà nước đã có ý kiến về kết quả nghiệm thu của Bộ GTVT, và sẽ có ý kiến cuối cùng nghiệm thu dự án khi có kết quả đánh giá cuối cùng của Tư vấn ACT.

Được biết, Tư vấn ACT đã đưa ra 16 khuyến nghị về an toàn cho khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với 3 nhóm vấn đề gồm: Hồ sơ tài liệu; thiết kế cần khắc phục tại hiện trường và tiếp tục cải tiến trong tương lai; sự sẵn sàng vận hành của nhân sự Metro Hà Nội.

Theo đại diện chủ đầu tư, các khuyến nghị của tư vấn đã được Bộ GTVT và TP Hà Nội triển khai thực hiện. Có nội dung đã khắc phục xong như về phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn hệ thống thông tin tín hiệu. Metro Hà Nội đã hoàn thiện 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp và diễn tập tại hiện trường; Bổ sung biển chỉ dẫn, nhân sự hướng dẫn tại các ga...

Tuy nhiên, còn một số khuyến cáo của tư vấn cần thời gian để thực hiện khi dự án đưa vào khai thác, như hệ thống tường kính chắn khe ga để an toàn cho hành khách. “Những khuyến cáo của tư vấn nhằm đảm bảo an toàn cao nhất khi khai thác, nhưng không phải yêu cầu nào cũng cần được thực hiện ngay. Điều này do một số tiêu chuẩn thời điểm thiết kế hơn 10 năm trước chưa có, nay cần cập nhật, bổ sung là hợp lý”, lãnh đạo Bộ GTVT nói thêm.

Nhiều bài học

Về phía Cty Metro Hà Nội, lãnh đạo đơn vị này khẳng định, bộ máy và nhân sự vận hành tàu Cát Linh - Hà Đông đã đầy đủ và sẵn sàng. Liên danh được thuê tư vấn vận hành dự án đã cử nhân lực sang, sau khi họ cách ly phòng dịch COVID-19, họ sẽ trực tiếp giám sát tại dự án. Metro Hà Nội đã thông báo tuyển 107 nhân sự bổ sung cho dự án này.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, với kế hoạch đưa vào khai thác từ năm 2015, nhưng chậm tiến độ nhiều lần cho tới nay. Dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD, trong đó vốn vay ODA Trung Quốc là 669,6 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 198,4 triệu USD. Dự án thực hiện theo hợp đồng EPC, do Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu.

“Nếu những công việc còn lại theo đúng kế hoạch, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ khai thác vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 tới”, Tổng Giám đốc Metro Hà Nội Vũ Hồng Trường cho biết. Theo ông Trường, Tư vấn ACT đánh giá nhân sự vận hành đã sẵn sàng, vận hành tốt trong điều kiện bình thường và xử lý một số sự cố đơn giản, những sự cố phức tạp phải cần thêm sự hỗ trợ của chuyên gia. Do đó, Metro Hà Nội đã thuê 1 tư vấn hỗ trợ vận hành trong 1 năm đầu khai thác thương mại. Cùng với đó, trong thời gian đầu khai thác, đơn vị vận hành sẽ huy động thêm sinh viên tình nguyện tham gia hướng dẫn hành khách để tạo thói quen đi lại.

Có một số khuyến cáo của tư vấn, như lắp chắn giữa đường ray và vị trí khách đợi tàu, theo ông Trường, UBND TP Hà Nội đã cho chủ trương và phương án triển khai khi tiếp nhận. Từ tháng 1/2021, Công ty Metro Hà Nội đã tổ chức nhân lực tham gia vận hành toàn tuyến đường sắt tới nay.

Nhân sự vận hành có thể vượt 681 người

Trong thông cáo phát đi ngày 31/3, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định, Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông có tính đặc thù cao, kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện còn thiếu kinh nghiệm… Do đó, dự án bị kéo dài, chưa đáp ứng được kỳ vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Về công nghệ, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng đầu máy chạy điện, khổ ray 1435mm, đường ray đôi. Tốc độ thiết kế chạy tàu 80km/h, tốc độ khai thác trung bình 35km/h. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa (chưa kể 2 đầu máy), hoạt động cách nhau từ 3 đến 5 phút/chuyến. Sức chuyên chở mỗi đoàn tàu hơn 900 người.

Tổng nhân sự phục vụ khai thác tuyến đường sắt được duyệt theo dự án là 681 người. Tuy nhiên, trong khuyến nghị mới nhất của tư vấn đánh giá an toàn ACT, cần bổ sung nhân sự hướng dẫn hành khách tại các ga để đảm bảo an toàn, nên tổng số nhân sự sẽ vượt 681 người. Bình quân có trên 50 người vận hành 1km tuyến đường sắt này.

Muốn đi tàu Cát Linh - Hà Đông vẫn phải chờ ảnh 1

Ga Cát Linh, ga cuối của tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội chuẩn bị vận hành thương mại. Ảnh chụp sáng 31/3: Phạm Thanh

Về bài học sau hơn 10 năm triển khai dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chia sẻ, đây là dự án lớn, phức tạp, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện. Do các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường sắt đô thị chưa đồng bộ, nên chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn trong quản lý dự án.

“Dự án triển khai kéo dài, chúng tôi nhìn nhận có hạn chế trong năng lực quản lý và điều hành dự án, có nhiều bài học được đúc rút. Tuy nhiên, đây là dự án thí điểm, các bài học được rút ra sẽ áp dụng cho những dự án đang và sẽ triển khai trong tương lai”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, vấn đề không nằm ở dự án sử dụng vốn ODA, mà ở sự hiểu biết về thứ sắp làm để chuẩn bị trước khi triển khai, kể cả bộ máy quản lý. Do đó, trong tương lai, khi thực hiện các dự án về lĩnh vực, loại hình nào mới, lần đầu làm cần lộ trình cử người đi học trước, sau đó về mới làm. Tương tự như trước đây, dự tính làm điện hạt nhân, khi chưa có dự án đã tuyển và cử người đi học nước ngoài.

MỚI - NÓNG