Bắt đầu bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sẽ chạy thương mại cuối tháng 4

0:00 / 0:00
0:00
Bộ GTVT và Hà Nội bắt đầu quá trình kiểm đếm, bàn giao hồ sơ dự án Cát Linh - Hà Đông từ ngày 31/3, dự kiến bàn giao chính thức vào cuối tháng 4 để Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Bộ GTVT và Hà Nội bắt đầu quá trình kiểm đếm, bàn giao hồ sơ dự án Cát Linh - Hà Đông từ ngày 31/3, dự kiến bàn giao chính thức vào cuối tháng 4 để Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
TPO - Bộ GTVT cho biết, từ hôm nay (31/3), Ban quản lý dự án đường sắt sẽ bắt đầu kiểm đếm và bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho đơn vị vận hành dự án phía Hà Nội. Dự kiến, cuối tháng 4 này sẽ xong bàn giao để Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để chuẩn bị bàn giao Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội đã thống nhất từ ngày 31/3/2021 các đơn vị đại diện 2 bên sẽ thực hiện kiểm đếm và bàn giao hồ sơ dự án.

Cụ thể, Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư của Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội (đơn vị khai thác tuyến đường sắt của Hà Nội) bắt đầu công tác kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản. Dự kiến thời gian thực hiện kiểm đếm và bàn giao hồ sơ sẽ kéo dài từ 3-4 tuần.

Trên cơ sở báo cáo thực hiện của 2 đơn vị trên, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm ký bàn giao, đưa tuyến đường sắt này vào khai thác thương mại.

“Do đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam thực hiện xong phần xây lắp, khối lượng tài sản, trang thiết bị rất lớn, phức tạp, gồm cả phần cứng và phần mềm nên việc kiểm đếm hiện trường và bàn giao hồ sơ trước khi bàn giao toàn dự án là cần thiết. Cũng vì phức tạp, công trình lớn, nên mất nhiều thời gian”, ông Đông nói.

Theo ông Đông, song song với việc kiểm đếm, bàn giao hồ sơ, các bên sẽ tiếp tục hoàn thiện các khuyến cáo về an toàn của Tư vấn ACT (Pháp). Tư vấn ACT đã đưa ra 16 khuyến nghị về an toàn, với 3 nhóm về: Nhóm liên quan đến hồ sơ tài liệu; Nhóm liên quan đến thiết kế cần khắc phục tại hiện trường và có thể tiếp tục cải tiến, nâng cao mức độ an toàn trong tương lai; Nhóm liên quan đến sự sẵn sàng vận hành của các nhân sự (phía Metro Hà Nội).

“Các khuyến nghị của ACT mang tính phòng ngừa rủi ro trong quá trình vận hành, khai thác. Trong đó có những khuyến nghị mang tính cập nhật công nghệ mới về an toàn đường sắt mà khi xây dựng dự án chưa có. Có những khuyến nghị sẽ hoàn thiện từ nay tới khi bàn giao, có khuyến nghị sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện ở giai đoạn khai thác”, ông Đông nói thêm.

Tới nay, một số khuyến nghị của ACT đã được hoàn thiện, như: Cấp chứng nhận phòng cháy chữa cháy; kết quả đánh giá an toàn bước 2 về hệ thống tín hiệu của Tư vấn Ricado; Metro Hà Nội đã hoàn thiện lại 64 quy trình xử lý tình huống khẩn cấp và diễn tập tại hiện trường; Bổ sung biển chỉ dẫn cho người khuyết tật...

Tuy nhiên, còn một số khuyến cáo của tư vấn cần thời gian để thực hiện khi dự án đưa vào khai thác, như hệ thống tường rào chắn để giữ khoảng cách an toàn giữa hành khách và đoàn tàu…

Bắt đầu bàn giao đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sẽ chạy thương mại cuối tháng 4 ảnh 1

Ga Cát Linh của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Về phía Metro Hà Nội, lãnh đạo công ty này cho hay, hiện toàn bộ nhân sự vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đầy đủ và sẵn sàng vận hành khai thác thương mại. Nhân sự của nhà thầu tư vấn vận hành đã sang Việt Nam và đang thực hiện cách ly phòng chống dịch COVID-19 trước khi trực tiếp giám sát tại hiện trường.

“Nếu các công việc còn lại theo đúng kế hoạch, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ khai thác vào dịp lễ 30/4 tới”, lãnh đạo Metro Hà Nội nói.

Bộ GTVT tiếp tục khẳng định, Dự án Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông là dự án đầu tiên được cho phép triển khai thí điểm tại Việt Nam. Dự án có tính đặc thù cao, nền tảng kỹ thuật phức tạp, công nghệ mới, các đơn vị tham gia thực hiện Dự án còn thiếu kinh nghiệm; khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý, tổ chức thực hiện loại hình Hợp đồng EPC chưa thực sự đầy đủ... Do đó, dự án bị kéo dài, chưa đáp ứng được kì vọng của chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Thời gian qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, thời gian để thực hiện những công việc còn lại của Dự án. Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện từ phía Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các đơn vị thực hiện dự án đã dần tháo gỡ những vướng mắc liên quan.

Bộ GTVT đã báo cáo Hội đồng kiểm tra Nhà nước về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư, Thường trực Hội đồng đã có ý kiến về kết quả kiểm tra, Hội đồng sẽ có ý kiến cuối cùng trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT về kết quả đánh giá cuối cùng của Tư vấn ACT.

Trước đó, Thủ tướng đã chấp thuận với đề xuất của Bộ GTVT kéo dài thời gian thực hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông tới ngày 31/3, và bàn giao cho Hà Nội quản lý, khai thác.

Để chuẩn bị khai thác, Công ty Metro Hà Nội) đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực vận hành là 681 người, trong đó có 201 người được đào tạo tại Trung Quốc. Ngày 26/3, Metro Hà Nội đã thông báo tuyển thêm 107 nhân sự bổ sung. Tháng 1 vừa qua, Metro Hà Nội cũng lựa chọn Công ty TNHH Vận hành Tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) thực hiện tư vấn bàn giao, tiếp nhận dự án và hỗ trợ quản lý, vận hành khai thác thương mại. Giá trị trúng thầu hơn 120 tỷ đồng (hơn 5,1 triệu USD). Thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2011, ban đầu dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016, nhưng chậm tiến độ nhiều lần cho tới nay. Tuyến đường sắt này dài hơn 13km, với 12 ga đi trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư 868 triệu USD, trong đố vốn vay Trung Quốc là 669,6 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam 198,4 triệu USD. Dự án thực hiện theo hợp đồng EPC, do Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu.

MỚI - NÓNG