Mục sở thị khối gỗ lũa điêu khắc cao 4m sắp 'trình làng' dịp Tết
TPO - Đường hoa Nguyễn Huệ và Hội Hoa xuân Tao Đàn Giáp Thìn 2024 năm nay sẽ có điểm nhấn đặc biệt với các tác phẩm gỗ lũa kích thước khủng được trưng bày để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách.
Khối gỗ lũa có chiều cao 4m, đường kính gốc 2m được các nghệ nhân điêu khắc ròng rã hơn 6 tháng.
Tác phẩm này của anh Nguyễn Trường Tiến, người có duyên với nghệ thuật điêu khắc. Tác phẩm có tên "Đất nước yêu thương" với điểm nhấn là hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thể hiện với hình tượng 2 viên ngọc quý.
Phần quần đảo Phú Quốc và Côn Đảo được thể hiện sơn son thếp vàng.
Mặt sau tác phẩm "Đất nước yêu thương" là cụm tranh Tứ quý "Mai, Lan, Cúc, Trúc". Tranh Tứ quý đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, đại diện cốt cách, chí khí ý của người quân tử, vừa là sự thịnh vượng, may mắn, vừa mang lại hy vọng trong cuộc sống.
Bên dưới bộ tranh tứ quý là dòng sông "Cửu ngư hoá long". Trong ảnh, anh Tiến đang quét dầu bóng cho cá chép thứ 8 với hình tượng đầu rồng mình cá. "Con cá chép thứ 9 là hình tượng rồng ôm trọn đất nước Việt Nam và các quần đảo", anh Tiến tiết lộ.
Dòng sông "Cửu ngư hoá long" được 3 nhân công tạo tác suốt 2 tháng.
Tác phẩm được tạo tác tỉ mỉ, tinh xảo, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc trong từng chi tiết.
Theo quan niệm của người phương Đông, Cá chép là biểu tượng linh thiêng cao quý cho sự kiên trì, bền bỉ. Dân gian truyền tai nhau câu chuyện truyền thuyết Cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa rồng. Vì thế, Cá chép được coi là con vật linh thiêng, cao quý. Cá chép tượng trưng cho sức khỏe và tài lộc dồi dào.
Theo anh Tiến, điêu khắc gỗ lũa phải đảm bảo sự tinh xảo cũng như các yếu tố phong thuỷ để tạo ra một tác phẩm hài hoà. Dự kiến, tác phẩm này sẽ được trưng bày ở đường hoa Nguyễn Huệ Xuân 2024.
Anh Tiến đang đứng trước tác phẩm cửu ngư vượt Vũ Môn sẽ được trưng bày Hội hoa xuân Tao Đàn 2024.