Chiều 16/6, trả lời báo chí tại Hội nghị Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để hạn chế tối đa thiệt hại đối với hệ thống cây xanh, người và tài sản do cây gãy đổ trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Sở Xây dựng đã giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (thuộc Sở Xây dựng) đôn đốc, phối hợp cũng với các đơn vị thực hiện công tác duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn.
Cùng với đó, các đơn vị cũng thực hiện kiểm tra, rà soát hệ thống cây bóng mát, lập kế hoạch, triển khai cắt tỉa ngay những cây có nguy cơ gãy đổ cao như cây chết, cây bị nghiêng nguy hiểm, cây nặng tán, mục gốc, mục thân, nổi rễ; cắt tỉa làm thua tán, thấp tán, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá, khống chế chiều cao cây bóng mát; thực hiện gia cố cọc chống đối với các cây mới trồng.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện quản lý, duy trì cây bóng mát rên địa bàn theo phân cấp, rà soát, kịp thời cắt sửa cây có cành ảnh hưởng đến giao thông, nặng tán, chặt hạ cây sâu mục.
Thành phố Hà Nội cũng chú trọng kiểm tra, rà soát và xử lý cây xanh có dấu hiệu nguy hiểm trong trường hợp, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao để đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Đáng chú ý, liên quan đến việc “bắt bệnh” cho cây xanh bằng công nghệ, ông Nguyễn Xuân Hanh, Tổng Giám đốc Công ty cây xanh Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ nghiên cứu và tham khảo việc mua máy siêu âm để phát hiện bệnh tật của cây như tình trạng mục ruỗng, sâu bệnh. Tuy nhiên, trước mắt, việc "bắt bệnh cho cây" vẫn được thực hiện thủ công để phát hiện và xử lý những cây mục ruỗng, sâu bệnh.
“Chúng tôi được thành phố cho đi học ở Singapore và đã tiếp cận với máy siêu âm… Tuy nhiên, những nước có máy siêu âm này cũng chỉ dùng để bảo tồn cây cổ thụ, lâu năm. Máy này rất lớn, có giá tiền hàng tỷ đồng. Hiện chúng tôi đang tìm các nhà cung cấp", ông Hanh nói.
Từ đó, ông Hanh cho rằng, hiện nay do chưa có máy móc hiện đại nên chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm. "Chúng tôi có đội quân am hiểu, hiểu về cây, kiểm tra cây sâu mục chủ yếu dựa vào quan sát hiện tượng bên ngoài, nếu có dấu hiệu nghi ngờ bên trong có vấn đề. Gõ vào thân nghe tiếng kêu thì cũng phát hiện được tương đối các cây bị bệnh”, ông Hanh nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngoài việc quan sát trực quan bằng mắt thường, trên thế giới cũng nghiên cứu nhiều phương án như siêu âm thân cây có sâu mọt hay không, dùng máy scan để khám bộ rễ cây. Phương án nữa là khoan thăm dò để kiểm tra. "Đề nghị thời gian tới Cty Cây xanh Hà Nội cập nhật công nghệ thông tin để tăng hiệu quả công việc", ông Thắng đề nghị.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã trồng được 1.530.000 cây xanh, góp phần tăng mật độ cây xanh đô thị. Hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị, mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn, cung cấp ô xi, giúp tăng độ ẩm, điều hoà không khí. Năm 2020, sau khi cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng thêm 1 triệu cây xanh, thành phố tập trung đến phát triển hệ thống cây xanh tầng thấp (cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung trang trí cây bụi, mảng, khóm, cây dây leo, cây hoa,... tạo đa dạng chủng loại, màu sắc và hoàn thiện hệ thống cây xanh nhiều tầng tán) xây dựng các giải pháp lựa chọn chủng loại cây trồng trong đô thị theo chức năng môi trường, phù hợp với đặc điểm của không gian vị trí, đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ, mỹ quan đô thị, góp phần tạo cảnh quan, không gian xanh một số tuyến đường và nút giao phục vụ các sự kiện chính trị, ngoại giao, đối ngoại và đại hội Đảng các cấp. Thành phố Hà Nội tiếp tục chú trọng việc thực hiện quản lý, chăm sóc, rà soát, cắt tỉa đảm bảo an toàn và tạo cảnh quan, chặt hạ cây có nguy cơ gãy đổ, đảm bảo an toàn cây xanh trong những đợt mưa bão, giông lốc. Việc cắt tỉa cây được thực hiện thường xuyên, định kỳ, đúng quy định nhằm hạn chế thấp nhất cây gãy đổ, cành gãy bất thường, gây nguy hiểm đến người và tài sản. Trong đó công tác cắt tỉa cây được phân thành 2 loại là cắt vén tán, nâng cao vòm lá, cắt cành khô và cắt làm thưa tán, thấp tán, hạ độ cao.