Mưa lũ miền Trung, nhà ngập tận nóc

Người dân leo lên nóc nhà trốn lũ.
Người dân leo lên nóc nhà trốn lũ.
TPO - Tình hình mưa lũ ở miền Trung do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp. Tại một số địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh và một số vùng phụ cận của tỉnh Nghệ An, lũ dâng cao, nhiều nơi ngập sâu trong biển nước.

Tại Hà Tĩnh, khoảng 17h ngày 14/10, thủy điện Hố Hô ở địa phận giáp ranh giữa Quảng Bình và huyện Hương Khê xả nước khiến người dân gần 10 xã vùng hạ du phải đánh kẻng chạy lũ, leo nóc nhà tránh lũ cả đêm.

Ngay trong đêm 14/10 tuyến quốc lộ 15A nối thành phố Hà Tĩnh lên Hương Khê bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Nước sông Ngàn Sâu tiếp tục tăng mạnh. Hầu hết các xã dọc theo tuyến sông Ngàn Sâu bị ngập sâu trong biển nước do thủy điện xả lũ khẩn cấp như Lộc Yên, Hương Trạch, thị trấn Hương Khê, Hương Thủy, Gia Phố….

Khoảng 23h ngày 14/10, tại địa phận các xã Hương Đô, Hương Giang , Hương Bình bị nước nhấn chìm, khiến dân cư ở đây trắng đêm chạy lũ. Tính đến sáng 15/10 đã có hơn 11 xã ở Hương Khê ngập sâu trong nước từ 2-3m. Lũ uy hiếp các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hà Linh, Hòa Hải, Phúc Đồng, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Hương Xuân, Phú Phong, Hương Đô, khiến hàng vạn căn nhà ngập chìm trong biển nước.

Mưa lũ miền Trung, nhà ngập tận nóc ảnh 1

Mưa ngập tại TP Hà Tĩnh đêm 14/10. Ảnh: Dân Trí

Mưa lũ miền Trung, nhà ngập tận nóc ảnh 2

Tại thành phố Hà Tĩnh, lượng mưa lớn trong chiều 14/10, cùng với lượng nước đổ về từ hồ Bộc Nguyên đã khiến toàn thành phố ngập sâu. Một số đoạn trên quốc 1A, đi qua phường Hà Huy Tập, do lo sợ hồ Kẻ Gỗ xả lũ trong đêm, rất nhiều người dân đã ra phá con lươn giữa đường để nước thoát nhanh hơn.

Tại Nghệ An, một số huyện giáo ranh với Hà Tĩnh cũng đang tình trạng nước dâng cao gây ngập cục bộ. Một số tuyến đường nối Đức Thọ Hưng Nguyên bị chia cắt do nước sông La dâng cao.

Tại Quảng Bình, mức nước lũ đo được vào thời điểm 7h ngày 15/10 ở huyện Lệ Thủy chỉ còn cách mốc lũ lịch sử năm 1999 xảy ra trên địa bàn huyện 40cm. Dự báo đến trưa nay (15/10), mực nước trên sông Kiến Giang có thể mức 3.1m, trên mức báo động 3 là 0.4m.

Mưa lũ miền Trung, nhà ngập tận nóc ảnh 3

 Nhiều xe cộ phải lên các mô đất cao để tránh lũ. Ảnh: Giang Thanh

Chị Nguyễn Thị Việt (Kiến Giang, Lệ Thủy) cho biết: “Nước lên quá nhanh. Từ 23h đến hơn nửa đêm, nước lụt đã ngập gần 1 mét. Nhà nào cũng thức từ đêm đến giờ để chuyển đồ. Địa bàn thị trấn là vùng đất cao nên ở những vùng khác chắc chắn còn ngập sâu hơn”.

Các tuyến đường trung tâm của huyện Lệ Thủy ngập lụt nghiêm trọng. Người dân phải sử dụng thuyền để di chuyển.

Mưa lũ miền Trung, nhà ngập tận nóc ảnh 4

 Người dân lùa đàn trâu lên cầu tránh lũ từ nửa đêm ngày 14/10. Ảnh: Giang Thanh

Từ 9h30 ngày 14/10, toàn bộ địa bàn huyện mất điện cục bộ. Đại diện Điện lực Lệ Thủy cho biết, hiện chưa xác định được nguyên nhân gây mất điện, điện lưới toàn huyện cũng được đóng để đề phòng chập điện.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, lượng mưa lớn vượt ngoài dự báo khiến nước lũ dâng quá nhanh. Huyện đang tích cực triển khai công tác cứu hộ lụt bão, đồng thời tổng hợp tình hình lụt bão và thiệt hại để báo cáo với tỉnh.

Mưa lũ miền Trung, nhà ngập tận nóc ảnh 5

 Tất cả các tuyến đường trung tâm của huyện Lệ Thủy ngập lụt nghiêm trọng. Ảnh: Giang Thanh

Mưa lũ miền Trung, nhà ngập tận nóc ảnh 6

 Người dân phải dùng thuyền chuyển trên các con đường. Ảnh: Giang Thanh

Theo báo cáo nhanh của Chi cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tính tới sáng nay, có tới 20 người chết, mất tích và bị thương trong mưa lũ. Trong đó, 3 người tử vong (Quảng Bình), 5 người mất tích (Quảng Bình 4 người, TT Huế 1 người) và 12 người bị thương (Quảng Bình 7 người, Quảng Trị 3 người, TT Huế 2 người).

Tại tỉnh Quảng Bình, tình hình ngập lụt nghiêm trọng. Trên quốc lộ 15, nhiều điểm ngập sâu trên dưới 2m. Điển hình như km 464+917 tại ngầm Khe Mưng ngập sâu 1.6 m; km 554÷km556 ngập sâu 2.5m; km 557+50 ngập sâu 2.5 m; đèo Khe Nét sạt lở, tắc đường tại km 458+100 và km 458+500…Các đường tỉnh lộ hầu hết đều bị ngập.

Các huyện như Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh…xảy ra hiện tượng đất đá sạt lở đường giao thông, nước ngập sâu có nơi lên gần 3m, các xã bị chia cắt hoàn toàn.

Hiện tại, hơn 27.000 hộ dân của Quảng Bình bị nhấn chìm trong nước. Huyện Bố Trạch: 4.500 hộ; huyện Tuyên Hóa: 6.513 hộ, huyện Minh Hóa: 1.048; huyện Quảng Trạch: 154 hộ; riêng thị xã Ba Đồn: 14.705 hộ.

Tại Thừa Thiên Huế, tình hình ngập lụt 0,2-0,3m trên các tuyến đường Hùng Vương, Bến Nghé, Trần Quang Khải, An Dương Vương, Tôn Đức Thắng…Các tuyến đường khu vực Bắc Sông Hương: Vạn Xuân, Chi Lăng, Nguyễn Chí Thanh, Phùng Khắc Khoan, Lê Đình Chinh, …ngập từ 01-0,2m.

Tình hình mưa bão còn khiến hàng trăm ngôi nhà tốc mái, đổ sập. Trong đó Quảng Bình tốc mái 56 nhà; Quảng Trị bị tốc mái 564 nhà (gồm 555 nhà dân, 7 điểm trường, 1 nhà văn hóa thôn, 1 trụ sở HTX),;Thừa Thiên Huế sập 6 nhà, tốc mái 153 nhà.

Mưa lũ miền Trung, nhà ngập tận nóc ảnh 7

 Tại thị trấn Kiến Giang (trung tâm huyện Lệ Thủy) nhiều ngôi nhà bị ngập gần 2 mét. Ảnh: Giang Thanh

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.