Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở Bình Thuận và Đồng Nai, 4 lao động rơi xuống biển

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Do mưa lớn từ nhiều ngày qua, lượng nước trên sông Đồng Nai và sông La Ngà đã đạt ngưỡng báo động cấp 3 và cấp 2... 

Ngày 31/7, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đồng Nai cho biết, do mưa lớn từ nhiều ngày qua trên khu vực thượng nguồn Sông Đồng Nai đã làm mực nước thượng nguồn sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn các huyện Tân Phú, Định Quán dâng lên rất nhanh.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở Bình Thuận và Đồng Nai, 4 lao động rơi xuống biển ảnh 1

Nhiều bè nuôi cá của người dân trên sông La Ngà bị thiệt hại

Cơ quan Khí tượng thủy văn chiều 30/7, mực nước tại trạm Tà Lài (sông Đồng Nai) tiếp tục lên, có khả năng đạt đỉnh lũ ở mức 113 - 113,2m trong tối 30/7 và đến chiều 31/7, cao hơn 0,4 - 0,5m so với mức báo động 3 (113m) và thấp hơn khoảng 0,8 - 0,9m so với mực nước của trận lũ lịch sử (114,31m, được quan trắc vào ngày 22/8/1987).

Mực nước tại trạm Phú Hiệp (sông La Ngà) tiếp tục lên trong 24 giờ tới, có khả năng đạt xấp xỉ mức báo động 2 (105,5m); thấp hơn 2,31m so với mực nước của trận lũ lịch sử (107,81m, quan trắc vào ngày 1/8/1999).

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở Bình Thuận và Đồng Nai, 4 lao động rơi xuống biển ảnh 2

Nước lũ lên nhanh trong đêm

Mực nước lũ dâng nhanh gây ra một số thiệt hại đối với người dân. Bước đầu ghi nhận: Tại huyện Định Quán có 38 lồng bè bị cuốn trôi, thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ đồng. Có hàng trăm ha lúa và hoa màu tại huyện Định Quán và huyện Tân Phú bị ngập úng. 2 căn nhà tại huyện Định Quán bị tốc mái và bị sập.

Trước nguy cơ về thiên tai, Vườn quốc gia Cát Tiên (xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, Đồng Nai) đã có thông báo ngưng đón nhận du khách cũng như hoãn toàn bộ hoạt động du lịch.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở Bình Thuận và Đồng Nai, 4 lao động rơi xuống biển ảnh 3

Lượng nước thượng nguồn đổ về hồ Trị An rất mạnh gây nhiều thiệt hại cho người dân

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN các huyện Tân Phú, Định Quán chủ động tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, diễn biến mực nước sông Đồng Nai, tuyên truyền, cảnh báo nhanh, kịp thời đến các cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn biết để chủ động phương án ứng phó, phòng tránh thiệt hại; rà soát khu vực trọng điểm thường xảy ra ngập lụt, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống xấu xảy ra.

Cũng trong sáng 31/7, Công ty Thủy điện Đồng Nai 5 cũng đưa ra thông báo về việc xả tràn điều tiết hồ chứa. Theo Công ty Thủy điện Đồng Nai 5, do ảnh hưởng của những trận mưa lớn, lượng nước dự kiến đổ về hồ Đồng Nai 5 đạt từ 300 - 450m3/s. Để đảm bảo công trình hồ chứa và vùng hạ du đập. Công ty Thủy điện Đồng Nai 5 đã phát đi thông báo xả tràn điều tiết hồ chứa Thủy điện Đồng Nai 5 vào lúc 10h ngày 31/7.

Lưu lượng nước dự kiến xả qua tràn từ 40 - 159m3/s, lưu lượng nước qua tuabin phát điện là 288m3/s. Tổng lưu lượng nước xả xuống hạ du từ 328 - 447m3/s.

4 lao động rơi xuống biển

Mưa lũ trong những ngày qua đã gây nhiều thiệt hại về cây cối, nhà cửa, hoa màu… tại các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Đồng Nai. Riêng tại Bình Thuận, một ngư dân bị sóng đánh mất tích đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Ngày 31/7, ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Nguyễn Văn Tr (41 tuổi, ngụ khu phố 7, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bị sóng cuốn mất tích khi hành nghề lưới ghẹ đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Trước đó vào lúc 14h30 ngày 29/7, xuồng không số, hành nghề lưới ghẹ gồm 4 lao động vào đến khu vực cửa cảng cá La Gi thì bị sóng đánh chìm, bốn thuyền viên bị rơi xuống biển. 3 người sau đó được thuyền cá ngư dân hoạt động gần đó cứu vớt.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở Bình Thuận và Đồng Nai, 4 lao động rơi xuống biển ảnh 4

Hiện tại, ông Nguyễn Văn Tr. (41 tuổi, ngụ khu phố 7, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) bị sóng cuốn mất tích khi hành nghề lưới ghẹ vẫn chưa được tìm thấy.

Riêng ông Nguyễn Văn Tr (41 tuổi, ngụ khu phố 7, phường Phước Lộc, thị xã La Gi) bị sóng cuốn mất tích và sau hai ngày tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy nạn nhân. Đặc điểm nhận dạng: nạn nhân cao khoảng 1,6m, mặc áo thể thao dài tay màu xanh, quần dài màu xanh.

Hiện tại, Đài Thông tin Duyên hải Phan Thiết liên tục phát thông tin tìm kiếm cứu nạn để các tàu, thuyền trong khu vực hoặc gần cảng cá La Gi, tăng cường quan sát, hỗ trợ tìm kiếm, cứu vớt nạn nhân mất tích.

Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận cũng chỉ đạo các đồn Biên phòng trong khu vực thông báo cho tàu thuyền, ngư dân đang hoạt động trên biển gần khu vực tàu không số bị chìm biết thông tin, hỗ trợ tìm kiếm, cứu vớt nạn nhân và cử cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Phước Lộc cùng tham gia hỗ trợ tìm kiếm.

Gây nhiều thiệt hại

Nhiều ngày qua, tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận có mưa lớn và lũ quét lốc xoáy đã gây thiệt hại nặng về cây trồng, đường giao thông, tài sản người dân… Lũ quét đã cuốn trôi 14 ha bắp, lúa, cây điều. Ước tính thiệt hại ban đầu trên 5 tỷ đồng. Cụ thể, các đợt mưa lớn đã khiến các xã Huy Khiêm, Đồng Kho, La Ngâu, Gia Huynh và Suối Kiết bị thiệt hại nặng.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở Bình Thuận và Đồng Nai, 4 lao động rơi xuống biển ảnh 5

Người dân ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sửa nhà để ổn định lại cuộc sống. Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo báo cáo của UBND huyện Tánh Linh, thiên tai gây ngập cục bộ khoảng 20 hộ dân với mực nước ngập từ 0,5 - 1m. Ở khu vực dân cư thôn 1, 2 và thôn 3 xã Suối Kiết, nước ngập hơn 1m khiến 2 hộ dân phải di dời.

Mưa lớn cũng gây sụp đổ khoảng 160m tường rào các loại của 3 hộ dân ở thôn 1, xã Gia Huynh. Tại xã La Ngâu, lũ quét đã cuốn trôi, gây hư hại 14 ha bắp, lúa, điều với mức độ thiệt hại trên 70%, giá trị thiệt hại ước tính trên 50 triệu đồng.

Ngoài ra, khoảng 40 ha lúa giai đoạn 75 ngày tuổi ở xã Huy Khiêm đang bị ngập sâu và hơn 20 cây điều khoảng 4 năm tuổi của một hộ dân bị ngã. Mưa lớn cũng đã cuốn trôi, vỡ và thất thu 15 lồng bè nuôi cá của các hộ dân dọc sông La Ngà, xã Đồng Kho làm thiệt hại khoảng 12 tấn cá lăng. Riêng cá diêu hồng trong giai đoạn xuất bán thiệt hại khoảng 38 tấn, tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 4 tỷ đồng. Nước lớn cũng cuốn trôi 30 con gia cầm giai đoạn trên 28 ngày tuổi tại xã Suối Kiết.

Tại huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), thống kê đến 16h ngày 30/7, thị trấn Đất Đỏ có khoảng 85 căn nhà của người dân bị tốc mái, một số cây xanh bị gãy đổ và có 2 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu kịp thời. Tại xã Phước Long Thọ, giông lốc cũng làm 4 căn nhà bị tốc mái, không có thiệt hại về người.

Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng ở Bình Thuận và Đồng Nai, 4 lao động rơi xuống biển ảnh 6

Hàng chục dèo nuôi cá bè tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai bị cuốn trôi, cá chết. Ảnh: Báo Đồng Nai.

Nước lũ tràn về đột ngột trên sông La Ngà khiến hàng chục dèo nuôi cá bè tại xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) bị cuốn trôi. Cụ thể, tại ấp 1 và ấp 8 xã Thanh Sơn có hàng chục dèo cá bị cuốn trôi gây thiệt hại cả trăm tấn cá của người dân ở khu vực này. Các dèo cá bị cuốn trôi đang nuôi cá có giá trị cao, trọng lượng lớn chờ thu hoạch như cá lăng, hồng vĩ, diêu hồng… Ngoài ra, một số bè cá nuôi tại 2 ấp trên cũng xuất hiện tình trạng cá chết vì bị ảnh hưởng nước lũ.

MỚI - NÓNG