Mua bán người vào Anh: Nạn nhân người Việt đứng thứ 2

Chiếc xe container bị bắt giữ với 39 thi thể người nhập cư bất hợp pháp.
Chiếc xe container bị bắt giữ với 39 thi thể người nhập cư bất hợp pháp.
TPO - Theo một báo cáo của Bộ Công An dẫn tin từ cơ quan chức năng Vương quốc Anh, nạn nhân bị mua bán vào Anh tới từ 102 quốc gia, trong đó số nạn nhân là người Việt đứng thứ 2.

Cụ thể, theo tờ trình Thủ tướng về xin phép đàm phán Biên bản ghi nhớ về phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, hiện Vương quốc Anh có khoảng 100.000 người Việt sinh sống và làm việc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình hoạt động mua bán người trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhất là mua bán người thông qua đưa người di cư trái phép từ châu Á, châu Phi, Trung Đông sang Châu Âu, trong đó có Anh. 

Theo cơ quan chức năng của Anh, tại nước này có khoảng 10.000 nạn nhân bị mua bán, đến từ 102 quốc gia. Trong đó, số nạn nhân là người Việt Nam đứng thứ 2 (năm 2017 khoảng 500 người). 

Đa phần các nạn nhân người Việt tới từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt đưa sang Anh, ép buộc lao động trong các trang trại trồng cây có chứa chất gây nghiện (như cây cần sa, cây tài mà), hoặc trong các tiệm làm móng tay.

Thủ đoạn phổ biến của đối tượng phạm tội là lợi dụng chính sách mở cửa, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực. Chúng đã tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục. 

“Nhiều nạn nhân người Việt Nam đã thông qua nhiều tuyến đường khác nhau để di cư trái phép sang Anh”, báo cáo nên rõ.

Về mặt pháp lý, trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng, hiện Việt Nam và Anh cùng là thành viên của: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC); Nghị định thư về ngăn ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, 2 nước có các điều ước song phương, gồm: Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (năm 2009); Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù (năm 2006); Bản ghi nhớ hợp tác về các vấn đề di cư (năm 2004); Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Vương quốc Anh về trao đổi thông tin phục vụ các mục đích liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh (năm 2013).

Với mới nhất, 2 nước đã ký kết Biên bản ghi nhớ về phòng, chống mua bán người (tháng 11/2018).

Không thu tiền trước


Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), năm 2018, về tội phạm mua bán người, cả nước phát xảy ra 211 vụ, với 276 đối tượng, 386 nạn nhân (giảm 61% số nạn nhân so với năm 2017).

Trong đó, nổi lên là thủ đoạn các đối tượng cò mồi, môi giới xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, nhất là một số tỉnh phía Bắc và miền Trung. Tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán qua biên giới phức tạp và ngày càng tinh vi hơn, vói “chiêu bài” không thu tiền công môi giới trước khi đi, mà trừ vào tiền lương sau khi đưa sang lao động thành công.

Thậm chí xuất hiện tình trạng công dân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó bị đưa bán sang nước thứ 3. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các đối tượng không trực tiếp đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, mà dùng thủ đoạn liên lạc qua điện thoại hướng dẫn cách di chuyển đến khu vực giáp biên giới rồi đưa qua biên giới bán...

Năm 2018, lực lượng Công an, Biên phòng đã khởi tố 200 vụ, 261 bị can về tội mua bán người, mua bán trẻ em (đạt tỷ lệ 94,78%).

Ban Chỉ đạo 138/CP đánh giá, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguyên nhân phát sinh, như: Lợi dụng tình trạng đưa người di cư trái phép, thiếu lao động phổ thông, mất cân bằng giới của một số quốc gia; Lợi dụng công nghệ thông tin để tuyển dụng và xuất khẩu lao động trái phép; Kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài; Tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo. 

Các đối tượng lợi dụng sơ hờ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội về an ninh trật tự; sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân... sẽ tác động đến sự gia tăng tội phạm mua bán người.

Hiện nhà chức trách Anh đang điều tra vụ việc 39 người nhập cư bất hợp pháp tử vong trong xe container hôm 23/10 vừa qua, và lấy mẫu ADN để xác định danh tính nạn nhân.
Trong khi đó, theo lãnh đạo UBND huyện Can Lộc, (Hà Tĩnh), hiện ở địa phương có 8 người đi Anh thời gian gần đây bị mất liên lạc.

MỚI - NÓNG