Một tuần trên tàu cảnh sát biển

Thượng úy Đinh Văn Nhưỡng (sử dụng ống nhòm) và đồng đội Nguyễn Hữu Duy trên tàu CSB 8003 triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Nguyễn Huy
Thượng úy Đinh Văn Nhưỡng (sử dụng ống nhòm) và đồng đội Nguyễn Hữu Duy trên tàu CSB 8003 triển khai nhiệm vụ. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Trước các hành vi uy hiếp, đâm va, xịt vòi rồng của tàu Trung Quốc, các cán bộ chiến sĩ không nao núng. Họ đầy lạc quan, vững tin hoàn thành nhiệm vụ.

Trọn tuần lễ, phóng viên Tiền Phong sát cánh cùng các biên đội tàu Cảnh sát biển - “lá chắn thép” giữa Hoàng Sa – làm nhiệm vụ cơ động, tiếp cận, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền, nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam. Trước các hành vi uy hiếp, đâm va, xịt vòi rồng của tàu Trung Quốc, các cán bộ chiến sĩ không nao núng. Họ đầy lạc quan, vững tin hoàn thành nhiệm vụ.

Chào cờ giữa Hoàng Sa

5 giờ 30. Mặt trời lấp ló giữa vùng biển Hoàng Sa. Các cán bộ chiến sĩ tàu CSBVN 8003 (Vùng 1) chỉnh tề mũ áo, tập trung trên boong. Từng giây phút lặng lẽ trôi.

Một tuần trên tàu cảnh sát biển ảnh 1

Lễ thượng cờ trên tàu chấp pháp Việt Nam ở Hoàng Sa

 Đại úy Nguyễn Văn Hưng, Thuyền trưởng tàu CSB8003 nghiêm sắc mặt, mắt nhìn thẳng lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió biển Hoàng Sa, dõng dạc thực hiện động lệnh chào cờ. Tiếng Quốc ca trầm hùng: “Đoàn quân Việt Nam đi, trung lòng cứu quốc, bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…” dường như được cả tàu hát bằng trái tim, khối óc và niềm tự hào. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay, hướng về phía khu vực giàn khoan 981 trái phép của Trung Quốc.

Lời nguyện hứa, quyết bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, đấu tranh đến cùng trước các hành vi xâm phạm vùng biển được các cán bộ chiến sĩ đồng lòng đồng thanh hô lớn.

Thuyền trưởng Hưng bảo: 5h30 sáng thứ Hai hằng tuần, cả tàu thực hiện nghi thức chào cờ. Giữa Hoàng Sa, nghi thức chào cờ trang trọng, đặc biệt linh thiêng. Tay nắm chặt, đặt trước ngực, thượng úy Bùi Văn Sơn (tàu CSBVN 8003), bộc bạch: Cả tàu như được tiếp thêm sức mạnh sau lễ chào cờ, để bắt đầu một tuần mới, bình tĩnh kiên gan đương đầu với những thử thách mới trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Trên tàu kiểm ngư HP926, thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy tâm sự: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, toàn tàu quyết tâm bảo vệ cho được lá cờ Tổ quốc. Không chỉ nghi thức chào cờ trang nghiêm, anh em cán bộ kiểm ngư viên còn thành kính thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ.

Ngày 7/5, trên đường vào Đà Nẵng làm nhiệm vụ, tàu HP 926 đi qua Quảng Bình, vị thuyền trưởng lái mũi tàu quay hướng về phía Vũng Chùa- Đảo Yến, kéo 3 hồi còi tưởng nhớ và khắc ghi lời dạy của Bác Hồ, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nguyện bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Bản lĩnh thép

Trời tháng 5, biển Hoàng Sa động mạnh. Con tàu CSBVN 8003 trụ vững giữa những đợt sóng xô dồn. Thượng úy Đinh Văn Nhưỡng (nhân viên tàu CSB 8003) tay chắc ống nhòm, quét một lượt dài khắp khu vực biển mạn trái tàu. Ca trực xuyên đêm, ánh mắt thượng úy Nhưỡng không mệt mỏi. Da sạm đen sau chục ngày “đứng nắng” Hoàng Sa, nhưng nhìn anh vẫn trẻ hơn tuổi 42. Ngày nào cũng thế, anh cùng đồng đội bố trí các ca kíp trực, tập trung cao độ, sinh hoạt trên tàu nề nếp, đúng giờ, đúng các chỉ lệnh.

Một tuần trên tàu cảnh sát biển ảnh 2

Các sĩ quan, chiến sĩ trên tàu CSBVN 8003 luôn tập trung cao độ. Ảnh: Nguyễn Huy

 Quê Thái Bình, anh Nhưỡng ra Hải Phòng định cư để kịp thời bám sát các hoạt động của biên đội tàu CSB. Con gái mới được 3 tháng tuổi, nhưng thời gian ở nhà chăm sóc vợ con với anh chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Là vợ CSB, ai cũng thấu hiểu những hải trình nhiệm vụ của chồng. Có khi đằng đẵng cả tháng trời không có lấy một dòng tin, bởi tàu làm nhiệm vụ qua vùng hạn chế phương tiện liên lạc. Nhưng hậu phương luôn là điểm tựa lớn”, anh Nhưỡng nói.

Trước các mũi kìm kẹp, ngăn cản quyết liệt của các tàu hải cảnh, hải giám Trung Quốc, anh Nhưỡng xung phong ra phía mạn trái cabin trực tiếp quan sát. Khi bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng, anh chỉ tạm ẩn mình bên lan can mạn tàu, chờ đồng đội ra tiếp ứng. Cánh phóng viên không khỏi thót tim sau những pha cản lướt, chặn mũi hung hăng của tàu Trung Quốc, nhưng với những thuyền viên như anh Nhưỡng, mọi sự đều “bình thường”.

Một tuần trên tàu cảnh sát biển ảnh 3

Thuyền phó Nguyễn Văn Long quan sát mạn ngoài cabin tàu, nắm hướng di chuyển tàu thuyền Trung Quốc đang ngăn cản, uy hiếp tàu CSB Việt Nam

29 tuổi, thượng úy thuyền phó Nguyễn Văn Long luôn thức trắng cùng anh em trên tàu cảnh giới, đề phòng các hành vi quá khích của các tàu Trung Quốc. Nhưng khi chuyển ca cho Thuyền trưởng Hưng trực tiếp lèo lái tàu CSB 8003 cùng biên đội tàu CS BVN cơ động, tiếp cận vào vị trí giàn khoan, anh Long vẫn hăng hái “tăng ca”, đứng gác mũi tàu.

Khi hai tàu Trung Quốc 3411, 2112 liên tục ép sát mạn tàu CSBVN 8003 ngăn cản, chặn mũi, không cho tàu ta tiếp cận giàn khoan, thượng úy Long di chuyển nhanh sang hai bên mạn lan can, cấp báo từng diễn biến của tàu Trung Quốc. “120m… còn 100m… báo cáo tàu 3411 cách tàu ta hơn 80m. Tàu 3411 đang tăng tốc”- nhìn bằng mắt thường, anh Long có thể căn chính xác khoảng cách tàu, cách di chuyển.

Ngày nào cũng thế, chỉ khi tàu CSB 8003 cơ động, vòng tránh an toàn trước sự ngăn cản, uy hiếp của tàu Trung Quốc, anh mới “chịu” nghỉ ngơi. “Ai cũng tập trung cho mục tiêu cao nhất, đó là tuyên truyền và buộc Trung Quốc dừng ngay các hoạt động hạ đặt giàn khoan trái phép và rút khỏi vùng biển Việt Nam” - anh Long nói.

Điềm tĩnh, khá kiệm lời, đại úy Nguyễn Huy Trung, Chính trị viên tàu CSB 8003 thể hiện “sức nặng” trong từng cử chỉ, mệnh lệnh. 40 tuổi, anh Trung có hơn chục năm gắn với nghiệp CSB, kinh qua chức vụ chính trị viên các biên đội tàu CSB 3006, 2008 trước khi dừng chân ở “lá chắn thép” 8003. Ở những thời khắc gay cấn, nghẹt thở, đại úy Trung đứng ngay boong tàu, nhận định tình hình, bàn phương án cơ động tiếp cận mục tiêu. “Trung Quốc liên tục thay đổi cách ngăn cản, họ điều nhiều tàu hơn, hành vi quyết liệt hơn”, đại úy Trung nói.

Cắt tóc, đọc thơ trên tàu cảnh sát biển

Đêm. Ánh trăng dát vàng xuống lớp sóng xô dồn. Đại úy Bùi Huy Đáp cùng anh em tàu CSB 8003 ngồi bên cửa mạn tàu, say sưa hát về Hoàng Sa, Trường Sa. “Không xa đâu Trường Sa ơi”, “Mong cánh thư về từ đảo Sa” vang vọng. Nổi tiếng với biệt danh “Phi-Lao-Quang-Đáp”, ghép tên 4 anh em trong một gia đình, anh Đáp còn được cả tàu gọi với biệt danh “nhà thơ học”. Chưa đầy nửa tiếng, anh đọc làu làu hàng loạt thi phẩm của Nguyễn Bính, Nguyễn Du, Xuân Quỳnh, và cả thơ mình: “Nếu nỗi nhớ mà hóa thành nước được/ Thì tình anh là biển cả đại dương”.

Cuốn sổ nhỏ, anh Đáp ghi kín thơ. Anh lấy vợ cũng nhờ thơ. Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (cùng quê anh Đáp ở Vụ Bản, Nam Định, hiện công tác Bệnh viện Phụ sản Nam Định) “cảm nắng” anh bởi vần thơ mộc mạc chân tình: “Có bao giờ sông lặng, biển yên/ Để anh đan 5 ngón tay mềm/ Trong tay em dịu êm ngày ấy/Biển hôm nay cồn cào sóng dậy/ Anh bồi hồi xao xuyến nhớ về em”…

Cả tàu bất ngờ cười vang bởi câu vè rất tếu của thiếu tá Nguyễn Văn Thuận: “Thứ nhất rượu say ngà ngà/ Thứ hai chồng đi công tác Hoàng Sa mới về”. Anh dí dỏm: Thì anh em lâu ngày trên biển, ăn toàn hải sản nên nó “dồn nén”.

Một tuần trên tàu cảnh sát biển ảnh 4

Anh Thuận và tiệm cắt tóc trên tàu giữa Hoàng Sa

 Quê Hải Hậu (Nam Định), phụ trách ngành điện, kỹ thuật trên tàu, thiếu tá Thuận còn là “tay kéo” chuyên nghiệp. Tiệm cắt tóc “Cắt gọt” hoạt động hầu như kín lịch mỗi chiều. Ba phân là kiểu đầu được các cán bộ chiến sĩ chọn cắt. Bởi điều kiện tàu thiếu nước ngọt, 3 ngày mới được tắm nên chọn kiểu đầu ít tóc để đỡ… tốn nước. “Trên tàu quen với những khẩu lệnh ăn cơm 2 kẻng, 3 ngày tắm một lần rồi. Mọi người đều chấp hành kỷ luật tốt”, anh Thuận nói.

Ngày lên đường nhận nhiệm vụ, thiếu tá Nguyễn Văn Thuận cũng như các đồng đội chẳng ai kịp ghé nhà. Con trai đầu anh Thuận bị bệnh tim bẩm sinh, lõm lồng ngực. Hai năm nay, vợ chồng anh dự định đưa con đi phẫu thuật nhưng chẳng có thời gian bởi những hải trình cứ nối nhau trên biển.

“Tôi chỉ muốn vợ con mình biết rằng bố và các đồng đội vẫn luôn bền gan, vững chí trong mọi hoàn cảnh. Nỗi nhớ niềm thương trở thành một động lực lớn, giúp chúng tôi lạc quan, tin tưởng trước thử thách”, thiếu tá Thuận nói.

MỚI - NÓNG