Một lần với Phù Thăng

Một lần với Phù Thăng
TP - Những ngày hè oi ả năm 2005. Tôi ngồi với Phù Thăng trong căn nhà giản dị đầy chất văn nghệ của ông ở một vùng quê thôn dã tỉnh Hải Dương.
Một lần với Phù Thăng ảnh 1
Ảnh: Nguyễn Quang Thân

Trên tường nhà còn lưu giữ chứng tích về một thời sôi động nhiều thành công của nhà văn Phù Thăng.

Nhưng tôi lưu tâm hơn cả là đôi câu đối bằng chữ Hán do nhà văn Xuân Thiều - người bạn tri kỷ của Phù Thăng - tự tay đề tặng. Nét bút phóng túng, rất có thần:

Vô cầu phẩm tự cao; Tri túc tâm thường thái.

(Phẩm cách chẳng cầu cạnh tự nó cao. Hiểu biết nhiều giúp tâm thế thanh thản ung dung.)

Đã bao lần đến chơi nhà Phù Thăng nhưng lần nào những dòng chữ này cũng khiến tôi suy ngẫm về bản lĩnh cầm bút của một nhà văn và nhân cách một con người.

Phù Thăng đã yếu đi nhiều. Mắt trái gần như bị hỏng. Song ông vẫn giữ được sự mẫn tiệp, hóm hỉnh, kiêu bạt, tự tại.

Vân vê điếu thuốc lào trên tay rất chậm trước khi bỏ vào nõ điếu, hút từng hơi từng hơi rất lâu, ánh mắt nhà văn nhìn xa xăm vô định như chất chứa nỗi niềm chi như nung nấu tâm sự gì ảo não vô chừng.

Phù Thăng sẽ hút thuốc lào cho đến những ngày cuối cùng của đời mình như chất, như se những trải nghiệm thăng trầm của định mệnh vào làn khói thuốc rồi chôn sâu nó trong ruột gan tim phổi. Rằng cuộc đời Phù Thăng nó phải thế, rằng số mệnh Phù Thăng nó vốn vậy…

Dù “giã từ vũ khí” lâu rồi, đến độ rất nhiều văn nghệ sĩ và độc giả hiện nay không biết đến, nhưng Phù Thăng vẫn quan tâm sâu sát đời sống văn học.

Về nền văn học nước ta hiện nay, Phù Thăng than thở: “Văn chương hiện nay thật đáng ngẫm ngợi! Nhiều văn sĩ trẻ quá ồn ào ầm ĩ, chỉ chăm chú đến những cái ngoài văn chương.

Những người đã được khẳng định, họ có lòng tự trọng, họ có thế đâu… Văn chương hiện nay đâu còn là văn chương nữa!…” “Chỉ tiếc là mình già yếu quá rồi, có làm được gì thì cũng không thể làm được nữa…”

Phù Thăng dành nhiều thời gian đọc các tác phẩm văn học đương đại Trung Quốc. Phù Thăng cho rằng, công tâm mà nói, quan tâm đến văn chương thì không nên bỏ qua nền văn học Trung Quốc đương đại.

Phù Thăng đánh giá cao Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện; nhận xét văn học Trung Quốc mạnh, viết bạo tay, viết lạ, theo sát được đời sống chính trị - xã hội và hơi thở thời đại.

Như không để tâm tới những gì xung quanh, Phù Thăng bất giác ngâm:

Chiều nay nhấp chén lên môi

Không dưng sao thấy máu người tanh tanh

Ngoài trời chợt mưa xối xả, chợt sấm đùng đoàng. Phù Thăng kể một kỷ niệm liên quan đến bài “Độc hành ca” của Trần Huyền Trân trong đó có mấy câu trên.

Năm 1960, Phù Thăng nhận giải thưởng của Hội Nhà văn cho trường ca “Hoa vạn thọ”. Đoạt giải thơ năm ấy có Nguyễn Bính, Nguyễn Khoa Điềm. Phù Thăng rất thích hai câu này của Nguyễn Bính:

Bến đò ai quạt thơm ngô nướng

Mái mái chèo khua rối bóng trăng

Sau khi nhận giải, Phù Thăng cùng Nguyễn Bính và một số văn nghệ sĩ vào ăn uống ở một nhà hàng trong khu Phố Cổ Hà Nội. Cảm hứng đồng điệu, các văn nghệ sĩ đề xướng ngâm thơ, ngâm những bài thơ hay nhưng phải lạ nhất.

Mọi người đã ngâm rồi, chỉ còn Phù Thăng. Những tưởng phen này phải hoãn binh, thì đột nhiên Phù Thăng ngâm lên bài “Độc hành ca” của Trần Huyền Trân bằng giọng điệu tự nhiên não nùng ẩn ức khôn xiết nỗi khiến các bạn văn tán thưởng không ngừng.

Nhiều người hôm đó lần đầu biết tới bài thơ này.

Hơn một năm qua, sức khỏe Phù Thăng xấu đi trông thấy, có lúc tưởng không qua khỏi. Nay đã đỡ hơn nhưng trí nhớ suy giảm nghiêm trọng. Đối diện tôi vẫn là một Phù Thăng hình hài khắc khổ, với cái điếu cày trên tay trầm trầm nhả khói “đốt đời” nhưng đã không còn một Phù Thăng nhà văn trí tuệ và thẳng thắn hôm nào...

Phù Thăng nhiều lần định sửa lại bản thảo tiểu thuyết “Tiến công” - cuốn tiểu thuyết được ông viết từ những năm 70 thế kỷ trước.

Biết ý định này, một số văn nghệ sĩ Hải Dương và Hà Nội đã thuyết phục ông “nhượng bản quyền” để chỉnh sửa và cho xuất bản. Phù Thăng không đồng ý.

Nay đã yếu nhiều, Phù Thăng cho phép nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận trách nhiệm “cai quản” các tác phẩm trong văn nghiệp của ông.

Nhiều độc giả đã biết đến nhà văn Phù Thăng sinh động trong “Chân dung và đối thoại” của Trần Đăng Khoa, thì nay sẽ được đọc lần đầu tiểu thuyết “Tiến công” của Phù Thăng sau nhiều “giai thoại” như bản thảo của “Tiến công” được tác giả bọc lá chuối bỏ vào chum chôn ở góc vườn.

Chỉ tiếc là sẽ không có thêm tác phẩm mới nào trong suốt 20 năm qua cũng như không có được những trang viết về làng quê Việt Nam thời kỳ đổi mới như Phù Thăng từng ấp ủ và nhiều lần tâm sự với người viết bài này…

Hà Nội ngày đông 2007

MỚI - NÓNG