Một giọng thơ miền Tây Nam bộ

TP - Từ làm báo mà chuyển sang làm thơ, Sáu Nghệ đã phải tự điều chỉnh cảm xúc trong mình để có được tập thơ “Gió chuyển mùa” (NXB Hội Nhà văn, 2017) trình làng.
Một giọng thơ miền Tây Nam bộ ảnh 1

Bìa tập thơ.

Lâu lắm, mới chìm đắm trong một giọng thơ miền Tây Nam bộ. Đọc thơ Sáu Nghệ, thấy tràn vào mình biết bao cảnh trí, biết bao con người miệt vườn, những anh chị “hai lúa” thân thương mà nhờ ân sủng cuộc đời mình đã được gặp gỡ, đã từng yêu thương. Một rung cảm chan chứa, mênh mang như Cửu Long Giang, thoáng đạt như bầu trời miền Tây không gợn bóng núi của vùng châu thổ ăm ắp phù sa. Thơ Sáu Nghệ thật gần những bình thường ấy, như lấy ra từ những bình thường ấy, đặt nó vào giai điệu đờn kìm, đờn cò, rồi ngân nga lên bao câu vọng cổ. Khoái chí như là dốc ngược một ly rượu ô môn bên cạnh người đẹp Tây Đô dịu dàng, nhỏ nhẹ: “Thanh nhàn là buổi nổi nênh/ Chim trời cá nước lưới tình bủa giăng”.

Có cảm giác Sáu Nghệ làm thơ rất dễ, dễ vì trước khi viết ra đã rất chịu khó lăn lộn, trải nghiệm rất nhiều trên đất quê, sông quê và người quê. Dễ như nhập thần. Không nhập thần sao có được: “Mùa thu ngả trước hiên nhà”. Sao có được “Ngoài đường bụi đã bay mờ gót chân”. Cứ thế, Sáu Nghệ “Một mình tôi đường cũ” để rưng rưng “Sông nước sau mùa lũ”: “Nắng bâng khuâng qua lũ bước vào thu”, để thở dài: “Sao có người vật vờ như rác cỏ”, để cảm ơn “eo lưng óng ả”, để “gặp bạn cũ vui như bạn mới”. Có lúc Sáu Nghệ tự rời buông nhịp lục bát, ngẫm ngợi cùng Đường thi: “Từ ấy cà phê hương hàng my/ Là hương mỗi sáng gọi người đi/ Đắng thơm từng giọt hoà mắt biếc/ Dốc cạn đợi chờ, thương đáy ly”. Rồi cũng có lúc phải thoát hết nhịp cũ, tự do tìm nhịp của chính mình, chiêm nghiệm của chính mình với “ý tốt bị hiểu sai/ ân cần gây ngờ vực” giữa cái thời mặt tiền đủ mọi thứ phô phang. Bài thơ tặng vợ là một bài hay. Không có mối giao tình chân thành ấy làm sao viết nổi:

Kỷ niệm đâu đây bùn đất mịn màng

Vẳng khúc đồng dao không đầu không cuối

Ứa vị chua cay, dậy niềm tiếc nuối

Gió bơ vơ hoang vắng lưng trời

Trong Sáu Nghệ luôn có một thi sĩ hồn nhiên, dại khờ và hy vọng. Bởi thế mới có thể nhận ra một “Buổi sáng trong veo”. Một bài thơ toàn bích với nhịp thơ thời đại:

Lười biếng thức dậy khi tỉnh hẳn

Uể oải bơi dưới mái hiên không mùi vị

Bất chợt giọt nắng đọng bông hoa mộng mị

Tất cả như mới mở mắt: Trong veo!

Hôm qua chưa thấy bông hoa ở đây

Chưa bao giờ thấy bông hoa khiêm nhường đến vậy

Khiến thế giới lặng lẽ trong động đậy

Như mây bay trên trời và gió trong veo

Ánh mắt trong veo

Hơi thở trong veo

Ý nghĩ trong veo

Bước trăm năm dừng bên hoa trong veo

Cũng bởi thế mà Sáu Nghệ tìm ra những tứ lạ. Bài “Ước đêm không ngủ” là một bài thơ có tứ lạ. Dựa vào bóng tối, tác giả chỉ ra cho thấy trong cái không nhìn thấy, tất cả đều bình đẳng đều hoang nguyên như xửa xưa: “Thăm thẳm nguyên sơ hát khúc vĩnh hằng”.

Thơ trữ tình của Sáu Nghệ đằm thắm một tâm hồn lộng gió miền Tây Nam bộ. Ngược lại, thơ chính luận của Sáu Nghệ lại cho thấy một tâm tính khảng khái, thật thà, nóng bỏng những phát ngôn cháy lửa vì dân tộc trong thời đại đầy biến động hôm nay. Có lúc anh nghi ngờ về thế hệ mình. Có lúc, anh thét gào căm phẫn. Có lúc anh tưng tửng giễu nhại. Những cung bậc chính luận của Sáu Nghệ như những bản rock nặng cứ thế quất mạnh vào nhân gian những đòi gọi nhân bản. Tất cả để đọng lại một chân lý “Lịch sử không quên lãng bao giờ”:

Lịch sử chợt hiện rõ hơn bao giờ hết

Khi ngỡ đã bị lãng quên

Trong bụi bặm trần gian

Giữa ồn ào cung bậc

Ấy là lúc lòng người bật lên tiếng nấc

Thấy nhân dân vĩnh viễn Tổ quốc này ...

MỚI - NÓNG