Một giáo sư Việt kiều 'kỳ quặc'

Một giáo sư Việt kiều 'kỳ quặc'
TP - Mỗi lần về nước, GS Đặng Quốc Kỳ, Việt kiều Pháp, lại rong ruổi ba bốn tháng trời ở các trường đại học tỉnh. Ông bảo: “Đi thế rất cực, nhưng chính những vùng sâu, vùng xa mới là nơi cần anh trí thức nhất”
Một giáo sư Việt kiều 'kỳ quặc' ảnh 1
Ông Đặng Quốc Kỳ trong một lần về thăm quê hương

Trong khi một số đồng nghiệp Việt kiều thường dừng chân ở các trung tâm lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì ông lại chọn vùng sâu, vùng xa. Bởi lẽ, ông suy nghĩ đơn giản là nếu không chịu đi sát với thực tiễn, thì làm sao biết được anh em đang cần gì.

Các chuyến đi tới những vùng xa xôi cũng giúp ông nhận ra rằng Việt Nam vẫn chưa làm được nhiều để khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”. Có lần về làm việc ở tỉnh Hòa Bình, chính ông được Chủ tịch tỉnh cho biết, một số nông dân nuôi lợn, khi bị dịch bệnh phải chờ bác sỹ thú y tới hàng tháng trời.

Ông cũng nhiều lần tới các tỉnh vùng sâu, vùng xa và nhận thấy Việt Nam đang thiếu hụt đáng kể đội ngũ chuyên viên, kỹ thuật viên. Ấy thế nhưng, hệ thống đào tạo giáo dục Việt Nam lại quá chú trọng đến đào tạo tiến sỹ và sau tiến sỹ, mà những tiến sỹ này thuộc những ngành mà chưa chắc trong nước đã cần.

Khi hỏi một đồng nghiệp có trách nhiệm, ông nhận được câu trả lời: “Nhiệm vụ của tôi là sản xuất tiến sỹ thì tôi sản xuất”.

Quyết không bỏ quốc tịch Việt Nam

Sang Pháp du học từ năm 1953, Đặng Quốc Kỳ theo học ngành toán ứng dụng  vì thời đó chưa có ngành công nghệ thông tin. Những người làm công nghệ thông tin sau này đều xuất thân từ dân toán học. Gắn bó với ngành toán, ông Kỳ từng giữ chức giám đốc trung tâm tính toán của Đại học Marseille gần 30 năm qua.

Một giáo sư Việt kiều 'kỳ quặc' ảnh 2 Tôi cũng đã nghĩ tới việc lập một trang web hay một network, nhưng lại nhận thấy  đó là chuyện tối kị. Các nhà khoa học không thích khuyếch trương và không muốn có cảm tưởng mình bị gom vào trong một hệ thống nào Một giáo sư Việt kiều 'kỳ quặc' ảnh 3 - GS Việt kiều  Đặng Quốc Kỳ

Có thể nói, ông là người Việt duy nhất của trường giữ cương vị này. Đây là trường hợp đặc biệt vì những chức vụ đó thường dành cho người Pháp. Dù thế  ông Kỳ vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, nhất định không nhập quốc tịch Pháp. Cuối cùng, người ta phải áp dụng qui chế đặc biệt, chấp nhận một người Việt Nam như ông vào ban điều hành.

Ông về nước lần đầu tiên vào năm 1984 khi đất nước vẫn còn đang bị cấm vận. Hai vợ chồng ông được tiếp đón nồng nhiệt như những người bà con xa lâu ngày gặp lại khiến ông vô cùng cảm động.

Điều này làm ông không khỏi bồi hồi nhớ tới những ngày tháng ở bên Pháp khi hai vợ chồng ông là những thành viên tích cực của Hội người Việt Nam tại Pháp. Thời trẻ, hai người từng tham gia các hoạt động yêu nước. Ông được giác ngộ cách mạng từ chính vợ của mình.

“Tôi từng làm bảo vệ cho các cuộc mít tinh có sự tham gia của phái đoàn Chính phủ Cách mạng Việt Nam Lâm thời do bà Nguyễn Thị Bình dẫn đầu tới làm việc tại Paris. Tôi mặt mũi dữ tợn, nên được bầu làm tổ trưởng bảo vệ”, ông Kỳ khoe.

Với các hoạt động tích cực, ông cũng được bầu làm Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Marseille.

Làm thế nào để lớp trẻ Việt Nam tại Pháp hướng về đất nước cũng  là vấn đề mà ông Kỳ rất trăn trở. Theo ông, hàng năm có tới hàng ngàn sinh viên Việt Nam sang du học tại Pháp và sẽ có một số người ở lại định cư. Đó mới chính là những người có ý thức khuyến khích con cái học tiếng Việt và trở về Việt Nam làm việc.

Hiện nay, ông và những thế hệ người Việt đi trước đang nỗ lực khuyến khích và tập hợp thế hệ trẻ để họ có thể gánh vác công việc của các bậc đàn anh.

Trước những ý kiến cho rằng rất cần thiết thành lập một mạng lưới để liên kết và tập hợp các tri thức người Việt Nam ở nước ngoài để tạo sức mạnh tổng thể trong việc đóng góp chất xám cho đất nước, ông Kỳ lại có suy nghĩ  hơi khác.

Ông chia sẻ: “Tôi cũng đã nghĩ tới việc lập một trang web hay một network, nhưng lại nhận thấy đó là chuyện tối kị. Các nhà khoa học thường không thích khuyếch trương và không muốn có cảm tưởng mình bị gom vào trong một hệ thống nào.

Khi muốn làm việc gì đó trong nước, tôi chỉ cần gửi email thông báo cho bạn bè tôi là lập tức có những người ở Canada, Mỹ, Australia… nhập cuộc nếu có thể. Mạng chuyên gia mà như thế thì được. Tôi làm việc như thế này hơn 10 năm nay rồi”. 

MỚI - NÓNG