Một gia đình không cá biệt!

Một gia đình không cá biệt!
TP - Chuyện diễn ra ở một gia đình điển hình, như bao gia đình khác ở Sài Gòn. Người bố làm viên chức cấp sở, bà mẹ là kế toán trưởng. Hai người con, cô lớn mới nghỉ học còn cậu em mới thi trượt đại học.

Ngay từ lúc cô bé còn đi học, hiểu rõ những “nguy cơ” của việc có con gái lớn trong nhà, ông bố và bà mẹ luôn miệng, từ dọa dẫm, đe nẹt đến đánh đòn nếu cô có ý “lớn trước tuổi”, sa vào yêu đương.

Thời khóa biểu, đi chơi hội hè đều được cha mẹ kiểm soát chặt. Nhưng dường như chính từ những việc ấy, cô bé ngày càng xa rời những bậc sinh thành.

Đi học về, cô bé biến ngay lên phòng và vùi đầu vào chiếc máy tính hoặc chiếc điện thoại đắt tiền. Và mặc dù ông bố đã ban hành lệnh giới nghiêm với cô con gái là phải có mặt ở nhà muộn nhất là 21 giờ, cô vẫn có cách qua mặt họ.

Sau này, khi việc vỡ lở, người cha mới biết hằng đêm, khoảng 1 giờ sáng, cô con gái mới 16-17 tuổi của mình lẻn ra cổng, trốn ra ngoài bằng chìa khóa cô bí mật “thửa” riêng. Ba giờ sáng, bạn trai lại đưa cô về bằng taxi. Cô bé lẻn vào phòng và ngủ tiếp như không có chuyện gì. Rồi cô bé dính bầu, nạo thai, rồi nghỉ học luôn.

Là người quen, tôi từng chứng kiến cảnh sinh hoạt của gia đình này. Sáng, ông bố và bà mẹ đi làm khi hai đứa con còn đang ngủ. Buổi trưa không ai về nhà. Chiều tối, ông bố là người về đầu tiên. Ông nấu một nồi cơm to, thức ăn mặn và canh. Ông cũng là người ăn cơm trước vì phải 8 giờ, vợ ông mới có nhà. Thằng út về lúc 9h, sau khi đi học thêm. Bố xem tivi, mẹ ăn xong lại chúi vào sổ sách, con về tự động lục cơm rồi ra ngồi một góc nào đó. Nó ăn ào một cái rồi lại biến vào phòng riêng

Cô con gái thường về sau cùng. Dạo này bố cô cũng nản, nên cô thích đi đến mấy giờ tùy ý. Cô thường ăn qua quýt hoặc bỏ bữa luôn vì đã ăn với bạn trai ngoài phố. Cả nhà hiếm khi có một bữa cơm gia đình. Ai cũng dường như bận bịu, ai cũng có việc riêng chẳng thể chia sẻ với người khác, dù là thành viên gia đình.

Rồi cậu em thi trượt đại học. Trước đây cậu sáng dạ, mê văn thơ nhưng ông bố quyết bắt con học khối A, thi ngành kinh tế. Không nghe là ăn đòn. Có thể đó là lý do cậu dần trở nên quạu cọ và chỉ thích được ở một mình.

Nhiều khi, là người trong nhà, ông bố tâm sự với tôi: Anh chị lo cho chúng nó đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì. Thích xe có xe, thích điện thoại có điện thoại, thích tập võ, tập thể dục thẩm mỹ cũng được ngay. Nhưng sao bố mẹ, con cái cứ như người xa lạ?

Chuyện của gia đình ấy nói đúng ra đâu phải là cá biệt, không muốn nói là khá phổ biến, khá điển hình. Đi đâu ta cũng có thể nghe được những câu chuyện tương tự. Những ông bố, bà mẹ này đều là dân trí thức chứ đâu phải “chân đất mắt toét”.

Nhưng dường như họ quên mất những điều nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng quan trọng: một bữa tối quây quần, một buổi gia đình đi dã ngoại, những chia sẻ gần gũi giữa cha mẹ và con cái, sự đồng cảm…

Trong xã hội ngày càng hiện đại về vật chất, những thứ ấy dường như ngày càng bị xem nhẹ, nhường chỗ cho những nghi kỵ, đề phòng. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người dùng phần mềm ptracker nghe lén điện thoại đang gây ầm ĩ thường chỉ để theo dõi chồng, vợ, con cái, người thân đó sao.

Gia đình là tế bào xã hội. Tế bào ấy có vấn đề thì chắc chắn xã hội đang có vấn đề.

MỚI - NÓNG