Mong hợp tác báo chí giữa Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt

Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hoá và Du lịch Lào (bên phải) trao quà cho lãnh đạo đoàn công tác Việt Nam. Ảnh: L.N
Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hoá và Du lịch Lào (bên phải) trao quà cho lãnh đạo đoàn công tác Việt Nam. Ảnh: L.N
TPO - Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào Savankhon Raznontry mong muốn như vậy khi làm việc với Đoàn công tác của Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, do ông Đoàn Công Huynh - Vụ trưởng Vụ Thông tin cơ sở dẫn đầu, vào chiều 24/11, tại Thủ đô Vientiane, Lào.

Ông Savankhon Raznontry cảm ơn Chính phủ Việt Nam, cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, đã dành những tình cảm ưu ái cho nước bạn Lào.

"Ngoài thường xuyên trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp trong các lĩnh vực báo chí giữa hai nước, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ đào tạo, cũng như hỗ trợ về trang thiết bị trong lĩnh vực truyền thông từ Việt Nam", ông Savankhon Raznontry chia sẻ.

Theo ông Savankhon Raznontry, thời gian tới, rất cần Việt Nam hỗ trợ nhiều hơn nữa để phóng viên các cơ quan thông tấn của Lào có cơ hội học tập, đào tạo ở Việt Nam, giúp nâng cao nghiệp vụ để tiếp cận cách làm báo hiện đại và chuyên nghiệp.

Tại buổi làm việc với đoàn của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào cũng mong muốn Việt Nam trao đổi kinh nghiệp để quản lý hiệu quả về mạng thông tin xã hội, bởi theo ông, đây là lĩnh vực đang bùng nổ mạnh mẽ tại Lào, song việc kiểm soát thông tin gặp rất nhiều khó khăn.

Mong hợp tác báo chí giữa Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt ảnh 1

Lãnh đạo các cơ quan thông tấn Lào trao đổi kinh nghiệm nhăm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động báo chí. Ảnh: L.N

Theo thỏa thuận đã ký giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác, sáng 24/11, Đoàn cán bộ và phóng viên của Việt Nam do ông Đoàn Công Huynh dẫn đầu đã làm viêc với Cục Thông tin đại chúng thuộc Bộ Thông tin Văn hóa và Du lịch Lào, cùng lãnh đạo các cơ quan báo chí - truyền hình.

Ông Somsavat Phongsa - Phó cục trưởng Cục Thông tin đại chúng, cho biết, Bộ này đang quản lý 37 Đài truyền hình, 63 Đài phát thanh cùng hơn 100 ấn phẩm tạo chí, 11 tờ báo ra hằng ngày và 30 cơ quan báo chí tư nhân.

"Việc quản lý báo chí đối với chúng tôi cũng gặp khó khăn do nhân lực ít, trong khi Lào lại phát triển cả báo chí tư nhân. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là sự bùng nổ của mạng xã hội mà chúng tôi không kiểm soát hết được", ông Somsavat Phongsa cho biết, đồng thời mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam chia sẻ những kinh nghiệm quản lý báo chí.

Giám đốc báo Nhân dân của Lào Sivieng Khek tự hào khi tờ báo đã có bề dày 64 năm. Trong suốt thời gian từ ngày hình thành và phát triển, tờ báo luôn dành một thời lượng nhất định để thông tin về nước bạn Việt Nam trên báo Nhân dân.

"Có thể đó là những tấm gương người tốt việc tốt, là những người Việt thành công trên đất nước triệu Voi và là những sự kiện chính trị văn hóa lớn của Việt Nam", ông Sivieng Khek nói.

Trong khi đó, ông Suthon Khanthavong - Giám đốc Thông tấn xã Lào đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ đạo để các cơ quan báo chí trong nước tuyên truyền mạnh hơn nữa về văn hóa - con người và thông tin chính trị xã hội từ Lào.

Mong hợp tác báo chí giữa Việt Nam - Lào ngày càng bền chặt ảnh 2

Tham khu phát sóng của Đài truyền hình Quốc gia Lào. Ảnh: L.N

Người đứng đầu Thông tấn xã Lào nói rằng, chúng tôi luôn coi trọng tình hữu nghị keo sơn giữa Việt Nam và Lào anh em. Vì vậy, trong nước, các hoạt động tuyên truyền về mối gắn bó ruột thịt này luôn được chúng tôi coi trọng.

"Ở Lào, từ bé đến lớn ai cũng thấm nhuần tình hữu nghị anh em hai nước. Nhắc đến Việt Nam, ai cũng biết, bởi chúng tôi luôn tuyên truyền văn hóa - con người Việt Nam với thời lượng cao trên các ấn phẩm của Thông tấn xã và cả các cơ quan truyền thông khác", ông nói.

Mở đầu buổi thăm và làm việc với Đài quốc gia Lào chiều nay, 24/11, ông Thongvanh - Phó Tổng giám đốc Đài tỏ lời cám ơn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam, cũng như Đài truyền hình Việt Nam đã giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình cho nước Lào.

Theo ông Thongvanh, hiện Đài quốc gia Lào có 2 kênh là Kênh 1 và Kênh 3 với đội ngũ nhân viên khoảng 250 người. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu và những người "có nghề" chỉ hơn một nửa quân số nên chất lượng các kênh không cao.

"Lượng người xem đài của Quốc gia Lào đang giảm đi", ông Thongvanh cho biết, đồng thời ông nêu lý do: "Hiện có khoảng 10 kênh của truyền hình Thái Lan đang hoạt động rộng khắp ở Lào với các chương trình đặc sắc và hiện đại, lôi kéo người xem nhiều hơn".

Ở khía cạnh hỗ trợ hợp tác, ông Sipha NongLat - Giám đốc Đài phát thanh Quốc gia Lào đề nghị phía Việt Nam không chỉ giúp đỡ đào tạo phóng viên, biên tập viên cho các cơ quan truyền thông của Lào mà cần hỗ trợ cả việc đào tạo cả những người quản lý về lĩnh vực này.

Kết thúc buổi làm việc, ông Đoàn Công Huynh ghi nhận những kiến nghị từ các cơ quan truyền thông của Lào, đồng thời cho biết sẽ báo cáo những kiến nghị trên lên lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét.

MỚI - NÓNG