Mong có thêm những tác giả lớn tin cậy Việt Nam

Mong có thêm những tác giả lớn tin cậy Việt Nam
TP -Phóng viên trao đổi cởi mở với nhà văn Nguyễn Đức Hùng về công việc xuất bản và vấn đề bản quyền tác giả - lĩnh vực mà ông am tường.

Nhà văn Nguyễn Đức Hùng (dịch giả Đa Huyên, hay còn được biết đến với bút danh Hùng Đà Linh) vừa được Gs F.Jullien, Viện trưởng Viện tư tưởng đương đại, Paris 7, kiêm Chủ tịch trường Cao Đẳng Nghiên cứu Toàn cầu ủy quyền toàn diện về tác quyền tất cả các công trình tác phẩm của F.Jullien tại Việt Nam, nhân dịp này.

Nhà văn Đà Linh (bên trái) và giáo sư Francois Jullien
Nhà văn Đà Linh (bên trái) và giáo sư Francois Jullien.

Ông có thể nói rõ hơn, cơ duyên nào đưa đến một công việc “xuyên quốc gia” như vậy?

Việc ủy quyền lần đầu của giáo sư Francois Jullien đối với tôi, diễn ra tại Paris, vào mùa thu năm 2004. Sau khi một số công trình của ông xuất bản tại Việt Nam, tôi được ông, trên tư cách Viện trưởng Viện tư tưởng đương đại, mời sang Pháp, làm việc về tổ chức xuất bản các công trình của Viện, trong đó có những công trình của ông.

Đây thực sự là công việc không đơn giản, tôi đã gặp, trao đổi và xin lời khuyên của Gs.Hoàng Ngọc Hiến, người đã có dịp làm việc với Gs F.Jullien tại Viện này, nhất là đang rất tâm huyết với hiện tượng F.Jullien “như mảnh thiên thạch rơi xuống vùng hồ triết học Âu Tây”.

Gs Hiến không những chỉ vẽ tận tình, mà còn viết thư trực tiếp cho F.Jullien. Do vậy, tại Viện (thuộc Paris 7), không những tôi nhận được các tài liệu, bản sách gốc của một số công trình xuất bản tại Pháp, mà khi kết thúc chuyến đi, tôi được Gs F.Jullien giao tận tay văn bản ủy quyền xuất bản vào đầu tháng 10/2004.

Cách đây gần một tháng, tôi nhận được văn bản từ văn phòng Gs.F.Jullien (do bà trợ lý gửi), được biết, Gs.F.Jullien nhận thêm trách nhiệm mới, Chủ tịch trường Cao đẳng nghiên cứu Toàn cầu. Tôi chưa kịp chúc mừng, thì lại nhận được văn bản Ủy quyền mới, rõ ràng và đầy đủ hơn, trên các đầu việc: Dịch, xuất bản, phổ biến (phát hành) những tác phẩm công trình của ông tại Việt Nam.

Ông có thể nói rõ hơn về số lượng và tầm mức quan trọng của các công trình của Gs F.Jullien? Ở VN, Gs có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức, cụ thể ra sao?

Cần lưu tâm, Gs F.Jullien - nguyên là Chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Nhà Triết học. Nếu tính từ năm 1999 (ra mắt Xác lập cơ sở cho đạo đức), cho đến 2010 (ra mắt Tính khả tri của Văn hóa), thì số công trình, đầu sách của Gs F.Jullien được dịch và xuất bản tại Việt Nam là 12.

Nếu tính cả những công trình đầu sách nghiên cứu liên quan đến các công trình của F.Jullien, thì vào khoảng gần 20 đầu sách (do 2 NXB thực hiện việc xuất bản: trước đây Đà Nẵng, hiện nay Lao Động, nhưng cần phải ghi nhận sự giúp đỡ hiệu quả của Trung tâm Văn hóa Pháp tại VN, và đội ngũ nghiên cứu, dịch giả am tường).

Dù thị trường sách diễn biến thế nào, thì những người đọc F.Jullien, nhất là những người đã có những trang bị kiến thức đủ để tiếp nhận, thì không khó nhận ra, thập niên đầu của thế kỷ XXI, về triết học-tư tưởng, hiện tượng F.Jullien đã nổi lên và lan tỏa tại Việt Nam. Tôi cũng đã có những dịp tham gia tổ chức, dự những cuộc hội thảo, tiếp xúc của F.Jullien tại Việt Nam (ở các trường đại học, các viện, trung tâm KHXH&NV...).

Bản thân tôi, cùng những nhà nghiên cứu, nhà văn, dịch giả khác (như: Gs Hoàng Ngọc Hiến, Nhà văn Nguyên Ngọc, Gs Lê Hữu Khóa, các Nhà nghiên cứu Đào Hùng, Trương Quang Đệ, Cao Xuân Hạo, Bửu Ý, Lê Nguyên Cẩn...) đều thấy, phương pháp luận cùng sự quảng bác từ những công trình của F.Jullien đã đem lại những thức nhận mới, bổ ích, đặc biệt, Hội thảo Quốc tế Triết học (Colloque Francois Jullien) tại Viện Đại học cố đô Huế, trong 3 ngày từ 3-5/5/2005 với hàng chục tham luận sâu sắc, tinh tế và sôi nổi đến từ thủ đô Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng, các Viện Nghiên cứu, trường Đại học từ Paris, Lille, Tokyo... đã khẳng định những phát hiện, sự sáng tạo hết sức to lớn của F.Jullien trước những vấn đề hết sức căn cốt của triết học và minh triết, suy rộng là tư tưởng nhân loại.

Có những nhận xét, lịch sử của triết học và minh triết nhân loại vốn có bề dày lớn lao, đáng ngưỡng mộ, nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, nó “vẫn bị đắp chiếu”! Do vậy, càng thấy tính cần thiết, trong việc dịch và công bố những công trình tác phẩm của F.Jullien tại Việt Nam.

Trong tư tưởng triết học của F.Jullien, có một khía cạnh rất quan trọng, có thể nói cô đọng: dùng cách nhìn phương Tây, để tìm hiểu, nắm bắt tư tưởng Trung Hoa và ngược lại: dùng cách nhìn Trung Hoa để rà soát lại một cách có hệ thống tư tưởng Âu Tây.

Và tại sao lại không phải là ủy quyền cho một nhà xuất bản hay một tổ chức nào đó, mà lại là một cá nhân? Việc này dường như chưa có tại Việt Nam?

Thực ra, trên khía cạnh này, thì một cá nhân hay tổ chức không có gì khác biệt. Vấn đề là cá nhân hay tổ chức đó thực hiện tốt, hiệu quả công việc được ủy quyền, đúng luật. Với 12 năm (kể từ cuốn sách đầu tiên của F.Jullien ra mắt tại Việt Nam), giữa chúng tôi đã có những bước đi và sự tin cậy cần thiết. Và không vui sao được, khi có địa chỉ tại Việt Nam mà F. Jullien yên tâm gửi gắm. Tôi mong, thời gian đến, có thêm những tác giả lớn, hướng sự tin cậy đến Việt Nam, như F.Jullien.

Trên thế giới thì sao, thưa nhà văn? Việc này quốc tế đã làm trong nhiều năm, nhưng ở VN có vẻ chưa quen? Ông có khó khăn gì trong việc giải quyết công việc theo sự tin cậy của Gs F.Jullien? Về phía Gs F.Jullien, có đặt ra cho ông những ràng buộc công việc gì không?

Trên thế giới, thì sau thời kỳ Trung cổ, đến thời Phục hưng, thế kỷ XVIII, họ đã biết đến quyền tác giả, đến nay đã hơn 200 năm. Khi cá nhân con người trở nên quan trọng, thì Luật bản quyền được chú trọng. Họ có những quy định và kiểm soát rất chặt chẽ. Ở đây, tôi muốn nói rằng, đã bước vào sân chơi chung (quốc tế), càng cần hiểu về vấn đề tác quyền. Nếu thực sự muốn đóng góp cho văn hóa.

Tôi nghĩ, F.Jullien ủy quyền cho tôi, vì ông coi đây là một sự ủy quyền “văn hóa” có địa chỉ, do vậy không ràng buộc các khía cạnh tính chất đính kèm. Chính vì vậy, mà trách nhiệm nặng nề hơn. Bởi một quy trình từ nhận bản thảo, tổ chức dịch, in ấn xuất bản, phổ biến phát hành... tuy “khép” vào một người, nhưng lại mở ra trước bạn đọc và thị trường sách. Có thể thấy trước những khó khăn.

Thực hiện luật bản quyền ở VN đang là vấn đề nóng nhưng lùng nhùng không lối thoát? Xin ông nói kỹ thêm về vấn đề này, với tư cách một chuyên gia đã làm việc lâu năm trong ngành xuất bản?

Vấn đề quan trọng hiện nay nằm ở định hướng. Tôi nghĩ lĩnh vực xuất bản, nên nằm ở Bộ coi sóc về văn hóa. Về phía Chính phủ, tôi nhận thấy có những động thái tích cực, qua chỉ thị 36 CP về việc tăng cường quản lý và thực thi bảo hộ bản quyền tác giả, rõ ràng đã có một số chuyển biến.

Như anh đã biết, năm 2004, Việt Nam tham gia Công ước Bern (hiệu lực thi hành từ 2006). Trong quá trình hội nhập Quốc tế, trên lĩnh vực bản quyền, cần ghi nhận 5 hiệp ước quốc tế đa phương (Bern, Rome,Geneve, Brussel, TRIBS), 3 điều ước song phương Việt Nam-Hoa Kỳ và thiết lập quan hệ quyền tác giả, cũng như Hiệp định Chính phủ giữa Việt Nam và Liên bang Thụy Sĩ. Những bước đi trên, theo tôi là tín hiệu tốt cần tiếp tục đẩy mạnh.

Nhưng trên thực tế, dù có một ít chuyển biến, nhưng về cơ bản, tinh thần này chưa được hiện thực hóa trong cuộc sống bao nhiêu, do nhiều thứ lực cản vô hình. (Thậm chí, nâng thang phạt đến 500 triệu đồng theo Nghị định 47 CP/2009, kể cả đã đưa vào điều 170a Luật hình sự, truy tố phạt tù, cũng không dọa được những người cố tình vi phạm, nếu họ thu lời trên 1 tỷ , hay sách thu hồi, nhưng vẫn bán tràn lan trên thị trường trước mắt các đoàn kiểm tra?

Như vậy càng ra quyết định thu hồi, sách càng bán chạy!...), chưa nói, hiện nay, quyền tác giả trên Internet chưa có quy định chung về trách nhiệm quản lý các bên khai thác sử dụng. Nói vậy, lại trở về với cái gốc là văn hóa , cho đến khi nào người ta không dám, không thể in lậu, làm lậu; người đọc nhận thức việc mua sách lậu, là việc làm đáng xấu hổ, không nên làm! Tôi thấy cơ chế xuất bản-in-phát hành và cung cách quản lý hiện nay đã không còn phù hợp trong hội nhập văn hóa quốc tế hiện nay.

Tuy nhiên, cũng cần khách quan, công bằng mà nói, chỉ sau 5 năm hội nhập Quốc tế về bản quyền, Việt Nam đã có những thay đổi, dù còn chậm. Nhưng “chậm còn hơn không”.

Lê Anh Hoài

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.