Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) vừa diễn ra đã thảo luận, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng.
Liên quan đến Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy; Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVII…, tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy cho biết, dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVII được kết cấu thành 5 chương, 32 điều.
So với quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVI, dự thảo Quy chế làm việc của Thành ủy khóa XVII bổ sung các điều, khoản quy định chi tiết hơn các nội dung về quan hệ công tác và nguyên tắc, chế độ làm việc; cụ thể hóa các nội dung, phạm vi thuộc thẩm quyền xem xét, cho chủ trương của Thành ủy theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền…
Dự thảo Quy chế đã bổ sung, tích hợp nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và chế độ làm việc của các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách cơ sở, trong đó, nêu rõ các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chủ động bố trí, sắp xếp công việc, dành ít nhất 1/3 thời gian để đi cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của nhân dân, qua đó giúp cơ sở kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Đối với dự thảo chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, dự kiến trong nhiệm kỳ này, Thành ủy tổ chức khoảng 26 hội nghị định kỳ và một số hội nghị chuyên đề; đồng thời, đề xuất 2 nội dung có tính cấp thiết, chiến lược cần ban hành nghị quyết chuyên đề trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là: nghị quyết về công tác cán bộ và nghị quyết một số vấn đề về phát triển văn hóa để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp.
Thảo luận về Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy và Thường trực Thành ủy khóa XVII, Bí thư huyện ủy Mê Linh Đỗ Đình Hồng cho rằng Quy chế đã được soạn thảo công phu, khoa học, bổ sung những quy định mới của T.Ư, tổng kết thực tiễn, đồng thời gắn nhiệm vụ của Khóa XVII vào từng nội dung cụ thể theo tinh thần rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm.
Bí thư huyện ủy Mê Linh đề xuất với Thành ủy xem xét hàng năm có các cuộc làm việc cụ thể của Ban Thường vụ Thành ủy với các đơn vị phụ trách đối với các nội dung nhiệm vụ cụ thể của địa phương. Từ đó, vừa tạo tiền để tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc tồn tại, đồng thời tạo mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa các đơn vị của Thành phố với các địa phương.
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Nguyễn Doãn Hoàn cho rằng, Quy chế làm việc đã thể hiện được vai trò lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Thành ủy trên tất cả lĩnh vực kinh tế xã hội Thủ đô. Phân công trách nhiệm của các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách các cơ sở rất chặt chẽ. Ngoài ra, phân công rõ trách nhiệm trong công tác đầu tư, gắn trách nhiệm của từng người đối với từng dự án của thành phố.
Đánh giá Chương trình toàn khóa của Thành ủy đã tập trung vào những nhiệm vụ cần thiết trong nhiệm kỳ tới, Bí thư huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh đề xuất Thành ủy xem xét bổ sung vào chương trình về giải quyết những khó khăn vướng mắc, để thu hút đầu tư, nhất là các dự án triển khai các khu công nghiệp phía Nam; kế hoạch tái cơ cấu lại nền nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ với các huyện nằm ở cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, có cơ chế chính sách đặc thù cho các huyện trục phía Nam, đảm bảo sự phát triển đồng đều, không để phía Nam thành vùng trũng phát triển.