Bí thư Hà Nội: Cán bộ đừng nghĩ mình làm sai trên không biết gì

TPO - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, cần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, kiểm tra, thanh tra, giám sát, tránh để cán bộ sai phạm nhiều. “Đồng chí nào biết sai phạm, sửa chữa thì có ai kỷ luật các đồng chí đâu. Làm thế để biết rằng đừng nghĩ các đồng chí làm mà dưới không biết gì, trên cũng không biết gì”, ông Huệ nêu.

Sáng 21/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với quận Hà Đông. Tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho rằng, Hà Đông phải đánh giá lại công tác quản lý cán bộ.

Theo ông Bảo, trong thời gian qua, số lượng cán bộ cấp phường có sai phạm, thậm chí cán bộ cấp quận cũng bị xử lý kỷ luật, là vấn đề rất đáng lo ngại. “Rõ ràng, nhiệm kỳ mới nếu không tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, kiểm tra, kiểm soát cán bộ thì thực sự rất gay go”, ông Bảo nói.

Bí thư Hà Nội: Cán bộ đừng nghĩ mình làm sai trên không biết gì ảnh 1

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo phát biểu tại hội nghị

Ông Bảo phân tích, như vấn đề giao đất dịch vụ trên địa bàn quận, sai phạm chủ yếu là do cán bộ giao đất sai chính sách, thành phố không phê duyệt, không cho giao đất, dẫn đến những hậu quả do cá nhân gây ra mà đến nay rất khó khăn để giải quyết.

“Việc đầu tiên là phải đánh giá lại cán bộ, đào tạo cán bộ, luân chuyển, có chế độ kiểm soát chặt chẽ về phẩm chất, đạo đức cán bộ. Nói có vẻ hơi quá một chút, nhưng không thừa, rằng hiện nay có những cán bộ vẫn còn tư duy đó, có những sai phạm không chấp nhận được. Không phải không biết, mà là rất biết, có nhiều bài học rồi, nhưng sai phạm trước vẫn sờ sờ ra đó mà lại để phát sinh những cái mới”, ông Bảo nói thêm.

Ông Bảo cho rằng, quận cần tiếp tục củng cố các cơ sở Đảng yếu kém, củng cố đoàn kết nội bộ, giải quyết các sai phạm còn tồn tại; kiện toàn lãnh đạo một số phường; tránh tình trạng còn nể nang, né tránh; xây dựng các quy chế chuẩn ngay từ đầu, thực hiện đúng quy chế, đúng thẩm quyền; chuẩn bị các bước để thí điểm chính quyền đô thị…

Sau khi nghe quận và các đơn vị liên quan báo cáo về vấn đề cấp đất dịch vụ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, Đại hội XVII thành phố đã quyết tâm giải quyết xong vấn đề này ngay trong năm 2021 vì tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

“UBND thành phố, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố phải làm dứt điểm. Với những trường hợp có kết luận rồi phải công bố công khai cho toàn dân biết. Ví dụ vừa rồi vụ đền bù ở Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng ký ban hành văn bản, nhưng có ai biết không? Tôi chỉ đạo Sở TT&TT gửi các báo T.Ư và thành phố đăng công khai, tránh tình trạng người dân băn khoăn thành phố có chủ trương rồi mà không làm”, ông Huệ nói.

Ông Huệ cũng lấy ví dụ, về vấn đề rác thải, thành phố yêu cầu phải xử lý triệt để, bền vững, xử lý cơ bản từng vấn đề, từng việc để rút kinh nghiệm cho việc khác; tránh tình trạng ban hành văn bản, chính sách xong cứ để không.

Bí thư Hà Nội: Cán bộ đừng nghĩ mình làm sai trên không biết gì ảnh 2

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

Ông Huệ nhận định, Hà Đông có quá trình đô thị hóa nhanh, tuy nhiên, việc phát triển cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu cuộc sống. Còn nhiều vấn đề tồn tại như cấp thoát nước, môi trường đô thị. Nhiều khó khăn, vướng mắc của nhiệm kỳ trước chưa được xử lý, chưa hiệu quả và dứt điểm. Quận cũng gặp khó khăn khi thay đổi cán bộ chủ chốt vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ. Một số vụ việc vi phạm trật tự xây dựng để lại hậu quả rất nặng nề. Dù thế, quận cũng phát huy được tinh thần đoàn kết, nhìn thẳng vào sự thật, đảm bảo an sinh xã hội, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

“Thu hút đầu tư mới tập trung vào xây dựng đô thị, chung cư, chưa tập trung vào lĩnh vực sản xuất; quản lý trật tự xây dựng, chỉnh trang, quản lý đô thị còn nhiều vấn đề quan tâm. Quận còn phải làm nhiều việc. Cả thành phố vẫn ngổn ngang mà quận cũng nhiều việc. Những vấn đề tồn đọng cũ cần được giải quyết dứt điểm từng việc một”, ông Huệ yêu cầu.

Ông Huệ cũng nêu một số vụ việc nổi cộm như CT6 Kiến Hưng, hay việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng hình ảnh của Thủ đô, của quận.

“Luật quy định là tháo dỡ và phá dỡ, đây lại đi san phẳng hết. Như công trình 8B Lê Trực, khi tháo dỡ nội thất, lực lượng chức năng phải có quay phim, chụp ảnh, niêm phong nguyên trạng rồi đem vào kho cất”, ông Huệ nêu.

Bí thư Thành ủy lưu ý, nguyên tắc làm việc phải rất lưu ý. Trong thời gian qua, nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có lúc, có nơi còn vi phạm. Công tác quản lý, giám sát đảng viên có lúc còn chưa kịp thời.

“Thành phố còn nhiều việc, phải nhìn nhận những vấn đề chúng ta chưa làm được. Quận cũng phải thấy còn nhiều việc ngổn ngang. Thành phố đang chọn vấn đề nan giải để xử lý đầu tiên. Quận cũng nên chọn vài việc làm cho dứt điểm để người dân có niềm tin, làm mẫu để xử lý các việc khác”, ông Huệ nói thêm.

Đặc biệt, theo ông Huệ, cần phải quan tâm đến cán bộ, đánh giá lại hiện trạng, có đội ngũ ngang tầm để phát triển đô thị. Cán bộ phải hiện đại phù hợp với đô thị hiện đại, phải có trình độ, tư duy, tầm nhìn, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm. Hà Đông phải có khát vọng trở thành một cực tăng trưởng của thành phố, một trung tâm thương mại sầm uất của thành phố.

“Phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát chứ không để cán bộ sai phạm nhiều quá. Không nhắc nhở lúc người ta sai nhỏ, để trượt dài rồi lại phải xử lý cán bộ. Mà có ai muốn cán bộ sai phạm để xử lý đâu. Đẩy mạnh việc giám sát sẽ rung chuyển ngay lập tức. Như ở Thành ủy, có vấn đề là Thường trực, Thường vụ giao cho Ủy ban Kiểm tra làm ngay. Như vừa rồi liên quan đến rác thải, chúng tôi giao ngay cho kiểm tra, giám sát, thanh tra vào ngay. Chúng ta có công cụ thì phải làm ngay. Đồng chí nào biết sai phạm mà sửa chữa thì có ai thích kỷ luật đâu nhưng để các đồng chí biết rằng, đừng nghĩ các đồng chí làm mà dưới không biết gì, trên không biết gì”, ông Huệ nói.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.