Sáng 21/7, BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng sinh trắc học của ngành.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, ngành có đặc thù là cung cấp nhiều dịch vụ liên quan trực tiếp tới người dân. Hiện, mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với khoảng 50 triệu người, hơn 10 triệu người hưởng các chính sách BHXH khác. “Do đó, để phục vụ tốt người dân, việc cải cách hành chính, chuyển đổi số là trọng tâm, mục tiêu xuyên suốt của ngành, không chuyển đổi số sẽ không thể làm hết việc”, ông Mạnh nói. Với kho dữ liệu bảo hiểm, ngành BHXH đã được chọn là đơn vị đầu tiên kết nối và chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư.
Ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ kết quả chuyển đổi số của ngành thời gian qua |
Nhờ chuyển đổi số, theo ông Mạnh, ngành BHXH đã từng bước chuyển sang quản lý rủi ro, phân tích và đánh giá để nhận diện rủi ro từ quản lý dữ liệu lớn, từ đó làm cơ sở đưa ra cảnh báo, thanh kiểm tra vi phạm. Với việc chuyển đổi số, liên thông dữ liệu đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, như liên thông khai sinh/khai tử - hộ khẩu – cấp thẻ BHYT/chi trả chế độ.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam cho biết, dữ liệu bảo hiểm tới nay đã xác thực với dữ liệu dân cư được gần 90 triệu người, nhưng vẫn còn 9% chưa xác thực được, như trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội chưa được cấp mã định danh cá nhân.
BHXH Việt Nam cũng tích cực tích hợp các thủ tục hành chính liên quan hoạt động ngành lên Cổng dịch vụ công quốc gia, như đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, gia hạn BHYT, BHXH một lần…
Ông Mạnh cũng cho biết, BHXH Việt Nam đang phối hợp với ngành Y tế để xây dựng sổ sức khỏe điện tử cho người dân; đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt; xác thực sinh trắc học; sử dụng thẻ BHYT điện tử trong khám chữa bệnh…
Tại hội nghị, BHXH Việt Nam đã công bố nhiều kết quả lớn khi thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp |
“Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số góp phần rất lớn trong tiết kiệm thời gian, chi phí cho xã hội. Nếu 170 triệu lượt khám chữa bệnh, mỗi lần tiết kiệm 1 nghìn đồng, mỗi năm đã tiết kiệm được 170 tỷ đồng”, ông Mạnh nói. Theo ông Mạnh thời gian tới, bên cạnh chuyển đổi số, khai thác dữ liệu trong cung cấp dịch vụ, sẽ tập trung phối hợp các bộ ngành, địa phương để liên thông dữ liệu và dịch vụ; đảm bảo an toàn thông tin….
BHXH Việt Nam cho biết, trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ ngành cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, liên thông cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT cho trẻ em, tới nay đã thực hiện với hơn 5,1 triệu trẻ em; kết nối chia sẻ dữ liệu thuế, dữ liệu đăng ký doanh nghiệp; chia sẻ trong giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp; đồng bộ dữ liệu hơn 18,8 nghìn công viên chức…
BHXH Việt nam đã triển khai 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ, đảm bảo tất cả nghiệp vụ của ngành thực hiện trên ứng dụng; kết nối với hơn 13 nghìn cơ sở y tế trên toàn quốc để thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; hơn 620 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH; ứng dụng VssID – BHXH số tới nay đã có gần 30 triệu tài khoản sử dụng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành BHXH đã tiếp nhận và xử lý 45 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (chiếm 87% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến được tiếp nhận và xử lý); khoảng 62% số người hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp ở đô thị nhận qua tài khoản ngân hàng…