Mỏi mắt tìm nhà phê bình văn học nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đội ngũ phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) gặp khó: trong khi các cây bút lớn tuổi gần như không còn viết phê bình và lui về làm nghiên cứu, nhiều cây bút trẻ không đủ lực lượng, bản lĩnh để lấp đầy khoảng trống. Những kiến nghị, giải pháp đưa lý luận, phê bình VHNT về đúng giá trị được mổ xẻ tại tọa đàm do Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật T.Ư tổ chức sáng 26/5.

Thiếu và yếu

Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT quy tụ về tọa đàm khoa học Đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay: Thực trạng, định hướng, giải pháp phát triển do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT T.Ư tổ chức sáng ngày 26/5 tại Hà Nội.

“Chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình VHNT, các nhà lãnh đạo, quản lý xoay quanh thực trạng đội ngũ lý luận, phê bình VHNT nước ta, nhằm thấy rõ những ưu điểm, những hạn chế, yếu kém, bất cập từ đó đề xuất các định hướng và giải pháp để xây dựng và phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, ông Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng nêu.

Mỏi mắt tìm nhà phê bình văn học nghệ thuật ảnh 1

Đội ngũ phê bình không đáp ứng được yêu cầu công chúng. Ảnh: Nhật Minh

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định, đội ngũ lý luận, phê bình VHNT còn thiếu và yếu. PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, dù có nhiều nghị quyết được ban hành để phát triển đội ngũ lý luận, phê bình VHNT từ đào tạo, bồi dưỡng đến phát triển nhưng hiện nay đội ngũ lý luận, đặc biệt là phê bình ngày càng “teo tóp”.

“Các nhà lý luận, phê bình có tên tuổi, uy tín tuổi đã cao thậm chí không còn nữa, đội ngũ nhà lý luận, phê bình trẻ có nhưng rất ít. Sự phân bổ nhà lý luận, phê bình ở các lĩnh vực không đồng đều. Phê bình trong văn học tươm tất nhất còn ở các lĩnh vực khác chỉ đếm trên đầu ngón tay”, PGS.TS Đào Duy Quát nêu.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PGS.TS Phan Trọng Thưởng cho rằng, trong 20-30 năm gần đây, đội ngũ phê bình thực thụ đang thưa vắng dần. Kể cả ở lĩnh vực văn học vốn được xem là có đội ngũ nhà phê bình đông đảo cũng chỉ lác đác vài cái tên như: Đỗ Lai Thuý, Khuất Bình Nguyên, Lê Hồ Quang...

Thay đổi từ gốc

Được quan tâm nhiều nhưng đội ngũ lý luận, phê bình VHNT thay đổi chưa đáng kể, kể cả sau khi Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới được ban hành. Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X có nhiều nội dung chỉ đạo, thể hiện quyết tâm xây dựng nền văn hóa, văn nghệ nước nhà bằng tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tài năng, thực lực.

Mỏi mắt tìm nhà phê bình văn học nghệ thuật ảnh 2

Các chuyên gia thừa nhận có hiện tượng khen chê tùy tiện, do nhiều nhà phê bình né tránh

Để xây dựng đội ngũ lý luận, phê bình trong lĩnh vực âm nhạc, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, giảng viên bộ môn lý luận phương pháp dạy học - nhạc cụ trường Đại học Sài Gòn nhấn mạnh, nên xây dựng ngành Âm nhạc học, chuyên ngành Phê bình âm nhạc trở thành một chuyên ngành đào tạo có định hướng, có tính thực tế về chuyên môn, có thể đáp ứng nhu cầu công việc và trở thành lựa chọn của các nhà báo tương lai. Khi ra trường, các em được hành nghề (có nơi tiếp nhận như các đài, báo, nhà xuất bản...) được bảo vệ khi làm đúng, nói đúng...“Đào tạo nguồn nhân lực phê bình cần được chuẩn bị từ xa, từ sớm, từ giáo dục âm nhạc phổ thông. Nếu ngành phê bình âm nhạc quan tâm, nghiên cứu giáo dục âm nhạc phổ thông, chuẩn bị tốt cho giới trẻ, hiện tượng lệch chuẩn, thiếu thẩm mỹ âm nhạc khó có thể tồn tại trong công chúng”, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm nêu.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT T.Ư nhấn mạnh hai đề án quan trọng: đào tạo cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật và cơ chế, chính sách đáp ứng nhiệm vụ chấn hưng văn hóa. “Nhiều người được phân công phụ trách lĩnh vực văn hóa ở địa phương không có chuyên môn sâu, vì không được bố trí ở cơ quan khác nên phải làm việc trong lĩnh vực này. Đầu tàu không quyết liệt, thiếu trách nhiệm không thể kéo đoàn tàu đi lên”, ông nói.

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình còn non yếu. Khoa Lý luận, phê bình của trường ĐH Văn hóa có năm không tuyển sinh được sinh viên nào. Chương trình đào tạo trong nước, nước ngoài và cơ chế tuyển sinh của các chuyên ngành văn hóa, văn học nghệ thuật cần có sự đặc thù.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư đề cao tư duy “dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm” của những người đứng đầu ngành văn hóa. “Không để thực trạng ngại nói, ngại đề xuất ảnh hưởng đến công việc chung”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh nói.

Khen chê tùy tiện

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thừa nhận, số lượng hội viên nghiên cứu âm nhạc chỉ khoảng 100 trên tổng số hơn 1.000 hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trên truyền thông, hiện tượng khen chê tùy tiện, quảng bá trá hình làm nhiễu loạn hệ giá trị tác phẩm trong công chúng. Nhiều người có chuyên môn còn ngại xuất hiện, cho ý kiến đánh giá về các hiện tượng âm nhạc. “Việc ngại dấn thân vào đời sống âm nhạc của các nhà lý luận tạo thành một khoảng trống lớn, tồn tại nhiều năm nay. Chính vì vậy mà mảnh đất phê bình âm nhạc được các nhà phê bình không chuyên là các nhà báo, những người có quan tâm đến đời sống âm nhạc gánh vác hộ”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nêu.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.