Cái “chết” của một con sông

Mở hội thảo bàn cách “cứu” sông Thị Vải

Mở hội thảo bàn cách “cứu” sông Thị Vải
TP - Ngày 23/9, tại Đồng Nai, Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học, bàn giải pháp cứu sông Thị Vải.

>> Cty Vedan thiếu sự hợp tác và có dấu hiệu xóa dấu vết

Cái “chết” của một con sông

Sông Thị Vải bắt nguồn từ khu vực xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) chảy qua huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Giờ (TPHCM) và đổ ra Biển Đông qua vịnh Gềnh Rái.

Sông dài khoảng 76km, dòng chính dài 40 m, có độ sâu trung bình 22m, nơi sâu nhất 60m.

Sông Thị Vải không có ý nghĩa về cung cấp nước, nhưng lại rất quan trọng về mặt sinh thái, môi trường. Về mặt kinh tế sông Thị Vải rất phù hợp để phát triển hệ thống cảng, KCN. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 10 năm khi các KCN được hình thành dọc theo tuyến sông để tận dụng lợi thế kinh tế, bây giờ nói đến sông Thị Vải là nói đến một dòng sông đang “chết” vì ô nhiễm.

Nằm theo dòng chính sông Thị Vải chiều dài 40km là nhà máy Vedan, KCN Gò Dầu, cảng Gò Dầu (Đồng Nai), KCN Mỹ Xuân, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, KCN Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu)… cùng 77 cơ sở sản xuất.

Theo thống kê của Trung tâm quan trắc và Tài nguyên môi trường, Cục Bảo vệ tài nguyên môi trường vào năm 2006, mỗi ngày đêm các cơ sở sản xuất, các KCN xả ra sông Thị Vải 33.120m3 nước thải (số liệu thống kê lượng nước thải được kiểm soát).

Qua kiểm tra hầu hết các cơ sở sản xuất không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung đã được duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. 

Tháng 5/2006, Trung tâm quan trắc và môi trường đo nồng độ DO (ô xy hòa tan) trên sông Thị Vải xác định khu vực ô nhiễm nặng (có DO dưới 0,1mg/l) kéo dài khoảng 10km từ xã Long Thọ đến xã Mỹ Xuân.

Đến tháng 8/2008, Trung tâm quan trắc đo lại phát hiện vùng ô nhiễm nặng đã trải dài khoảng 15km (nồng độ DO dưới 2mg/l); các chỉ số BOD5, COD, nitơ amoniac… đều vượt tiêu chuẩn cho phép và đột ngột tăng cao ở các khu vực có các nhà máy như Cty Vedan, nhà máy xi măng Holcim gây nên hiện tượng ô nhiễm cục bộ.

Ngoài ra còn có một lượng lớn chất ô nhiễm độc hại khác như các kim loại nặng, dầu mỡ, xyanua, Coliform cũng được thải ra sông Thị Vải hàng ngày. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm nặng nề cho sông Thị Vải.

Mới đây vụ việc Cty Vedan được phát hiện làm hệ thống xả nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải đang được các cơ quan chức năng điều tra cho thấy nhiều năm trời Cty này đã đổ ra sông Thị Vải một lượng lớn nước thải không qua xử lý, có nhiều loạt chất thải vượt hàng trăm, hàng ngàn lần tiêu chuẩn cho phép như tiêu chuẩn màu vượt 2.000 lần, tiêu chuẩn ô xy hóa vượt 3.000 lần.

Lời cảnh báo từ 10 năm trước

Hậu quả do ô nhiễm từ sông Thị Vải ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân rất rõ. Lượng nước thải lớn với nồng độ các chất ô nhiễm cao vượt quá khả năng tự làm sạch của sông gây nên hiện tượng những “đoạn sông chết” gây mùi hôi thối và làm suy giảm hệ sinh thái.

Những đoạn sông ô nhiễm nghiêm trọng hầu như không có thực vật, sinh vật phù du sinh sống do thông số DO xấp xỉ bằng 0. Gần đây một số tàu biển nước ngoài đã từ chối cập cảng sông Thị Vải vì sợ vỏ tàu bị ăn mòn. Dọc theo sông Thị Vải không thể nuôi trồng thủy sản, các địa phương không đưa chỉ tiêu nuôi trồng thủy sản vào kế hoạch sản xuất.

Nhiều đoàn khảo sát, nhiều công trình nghiên cứu về tình hình ô nhiễm sông Thị Vải được thực hiện nhưng hơn chục năm trôi qua tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải không được cải thiện, trái lại mỗi năm chỉ số ô nhiễm lại càng tăng.

Chỉ đến khi Cty Vedan bị phát hiện là “thủ phạm lớn” trong việc làm ô nhiễm sông Thị Vải các ngành chức năng lại bàn về giải pháp làm sạch sông Thị Vải. Theo Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm quan trắc và môi trường thì biện pháp hữu hiệu nhất là phải kiểm soát chặt chẽ nguồn thải từ các nhà máy ra sông, tăng cường quan trắc môi trường nước.

Từ những năm 1996 đến nay, đã có nhiều cuộc thảo luận, bàn biện pháp rồi, bây giờ đến lúc phải cộng đồng trách nhiệm giữa nhà nước, doanh nghiệp, công dân để có giải pháp “cứu” sông Thị Vải. Công khai hóa các thông tin về doanh nghiệp gây ô nhiễm để tránh sự đánh đồng giữa doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường với doanh nghiệp vi phạm về môi trường.

Có những ý kiến đề nghị đào kênh nối sông Đồng Nai với sông Thị Vải để tăng sức đẩy của nước, pha loãng nước sông Thị Vải ô nhiễm hay tăng cường sục khí để tạo nguồn ô xy giúp phân hủy chất hữu cơ trong nước…

Ông Phạm Gia Hiếu, Giám đốc trung tâm chất lượng nước và môi trường thuộc Viện quy hoạch thủy lợi Bộ NN&PTNT cho rằng: “Quá trình khảo sát năm 1997 chúng tôi đã phát hiện sông Thị Vải có hiện tượng dòng nước đen rất lớn tất nhiên phải có nguồn thải rất lớn. Biện pháp xử lý triệt để là kiểm soát tại nguồn, chứ đào kênh e rằng lại có tác dụng ngược”.

Là người nhiều năm gắn bó với sông Thị Vải về vấn đề ô nhiễm, từ năm 1994, trong thời gian công tác tại Viện Khoa học nhiệt đới, Giáo sư Đoàn Cảnh đã nhiều lần khảo sát sông Thị Vải. Năm 1997, giáo sư Cảnh đã hoàn thành công trình khảo sát ô nhiễm sông Thị Vải theo hợp đồng với Sở Khoa học công nghệ và Môi trường tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai.

Nội dung công trình nghiên cứu dài hàng trăm trang, giáo sư Cảnh đã nêu lên tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải và đề ra các giải pháp cải tạo tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên sau khi hoàn thành công trình nghiên cứu này đã không được ứng dụng.       

Hơn chục năm trời, đã có rất nhiều các lá đơn kêu cứu của người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm sông Thị Vải, cụ thể là Cty Vedan gây ô nhiễm. Các giải pháp, các cuộc hội thảo “cứu” sông Thị Vải được đưa ra nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Đến khi sông Thị Vải “hấp hối”, thì các ngành chức năng vẫn đang loay hoay tìm giải pháp!

MỚI - NÓNG