Mô hình bệnh viện điện tử: Chi phí thấp, hiệu quả cao

Bác sỹ sử dụng phần mềm bệnh viện điện tử phục vụ công tác khám bệnh tại Trung tâm Y tế thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Quang Hùng
Bác sỹ sử dụng phần mềm bệnh viện điện tử phục vụ công tác khám bệnh tại Trung tâm Y tế thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Quang Hùng
TP - Chỉ mất khoảng 10 triệu đồng/tháng là có thể áp dụng mô hình bệnh viện điện tử trong khám chữa bệnh. Mô hình này cho phép liên thông được với toàn bộ các bệnh viện tuyến xã, huyện, tỉnh bằng hồ sơ bệnh án điện tử…

Liên thông xã, huyện, tỉnh

Chị Nguyễn Thu Lan, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè (Tiền Giang) mắc cùng lúc bệnh dạ dày, thấp khớp nên thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa Cái Bè khám. Trước kia, khi mọi công đoạn khám chữa bệnh đều thủ công, chị thường phải chờ lâu hơn, chăm chú theo dõi đến lượt bác sỹ gọi. “Nhiều lúc muốn đi tiểu mà không dám đi, sợ bác sỹ gọi mà mình hổng có mặt”, chị Lan kể.

Từ ngày áp dụng mô hình bệnh viện điện tử này, chị Lan chỉ cần lấy số thứ tự khám bệnh chờ đến lượt qua thông báo trên bảng điện tử trước phòng khám. Có máy tính in ra nên nội dung chẩn đoán bệnh, hóa đơn thuốc, viện phí cũng rõ ràng, minh bạch.  Điều thuận lợi nhất, theo chị Lan là khi đi khám ở tuyến tỉnh, bác sỹ chỉ cần tra tên là ra toàn bộ thông tin về quá trình điều trị bệnh của chị ở tuyến huyện.

Hệ thống bệnh viện điện tử được bốn kỹ sư của Trung tâm Công nghệ Thông tin của VNPT tại Tiền Giang sáng tạo từ năm 2012, áp dụng tại toàn bộ hệ thống trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa cấp huyện, các bệnh viện cấp tỉnh của Tiền Giang. Sản phẩm cũng vừa được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015. Theo bác sỹ Bùi Văn Nghiêu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 600-800 lượt bệnh nhân đến khám. Trước đây, hầu hết các khâu trong quá trình khám chữa bệnh của bệnh viện diễn ra thủ công nên dễ dẫn đến sai sót. “Làm bằng tay sai tới sai lui, người này có thể đổ thừa cho người khác”, BS Nghiêu nói.

Hiện nay, hầu hết các công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh như đăng ký khám, chẩn đoán, kê đơn thuốc, thanh toán bảo hiểm y tế đều qua hệ thống phần mềm. Nhờ đó làm giảm thời gian chờ đợi và tăng tính chính xác trong quá trình khám chữa bệnh. Đặc biệt, hệ thống bệnh viện từ trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa huyện đến các bệnh viện tỉnh đều được liên thông với nhau qua hệ thống phần mềm này.

“Nếu bệnh nhân trước đó đã khám ở trạm y tế xã, mình chỉ cần truy cập vào hồ sơ bệnh nhân là ra toàn bộ thông tin như bệnh nhân từng khám ở đâu, chẩn đoán ra sao, đã làm những chiếu chụp, xét nghiệm nào, được chỉ định dùng thuốc gì. Nếu bệnh viện chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh thì bệnh viện tỉnh cũng biết được toàn bộ thông tin, quá trình khám chữa bệnh của bệnh nhân ở tuyến huyện”, BS Nghiêu cho biết.

Theo ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh không phải là việc mới nhưng mang tính đơn lẻ, viện nào biết viện ấy, không có sự liên thông giữa tuyến trên, tuyến dưới, bệnh viện các cấp. “Ưu điểm của hệ thống này là có sự liên thông giữa tuyến xã, huyện, tỉnh, tiện lợi cho cả bác sỹ lẫn bệnh nhân”, ông Thảo nói.

Có thể áp dụng toàn quốc

Việc triển khai ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh hiện áp dụng chủ yếu ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh do chi phí cao. Ước tính, để có được một hệ thống bệnh viện điện tử bao gồm cả phần cứng và phần mềm phải có chi phí hơn một tỷ đồng. Theo bác sỹ Bùi Văn Nghiêu, nhiều nơi cũng chào hàng phần mềm bệnh viện điện tử mà giá hơn một tỷ đồng, còn dùng hệ thống này chỉ mất 8,3 triệu đồng một tháng.

TS Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho hay, hệ thống này có  chi phí thấp nhờ sử dụng nền tảng điện toán đám mây. Nhờ vậy cơ hội cho các bệnh viện cấp huyện, cơ sở y tế cấp xã - những nơi mà kinh phí hạn hẹp cũng có thể triển khai được. Hiện có 166 trạm y tế cấp xã triển khai hệ thống này.

Anh Nguyễn Minh Luân, trưởng nhóm nghiên cứu phần mềm này cho hay, hệ thống phần mềm này có thêm tính năng như đăng ký khám bệnh từ xa. Bệnh nhân gọi điện đến tổng đài đăng ký khám bệnh. Thông tin sẽ được truyền đến phần mềm của bệnh viện để sắp xếp lịch. Nhờ vậy tiết kiệm được thời gian khám. Tuy nhiên, hình thức mới được các bệnh nhân đăng ký tại các phòng khám tư nhân sử dụng nhiều.

Năm đối tượng được hưởng hiệu quả từ công nghệ này, gồm: Bệnh nhân tiết kiệm được thời gian chờ đợi, minh bạch đơn thuốc và chi phí, bác sỹ sẽ tiết kiệm  thời gian khám bệnh, bệnh viện sẽ quản lý được tổng thể đồng thời liên thông được với các cơ sở y tế khác. Bộ Y tế có thể quản lý tổng thể toàn bộ hệ thống các cơ sở y tế trong toàn quốc và Bảo hiểm Xã hội VN có thể thẩm định, quản lý hồ sơ thanh quyết toán nhanh chóng nhờ các tiện ích khác của phần mềm.

Anh Nguyễn Minh Luân cho biết, nhóm đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, tích hợp nhiều tính năng khác như hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, hệ thống quản lý kết quả xét nghiệm, hệ thống các tiện tích hỗ trợ công tác quản lý y tế dự phòng, tiến tới hình thành Mạng y tế Việt Nam phục vụ công tác khám, chữa bệnh toàn quốc.    

Hệ thống đã được áp dụng tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong hai năm từ tháng 12/2012-12/2014. Với những kết quả đạt được, hệ thống hiện đang được mở rộng ra nhiều đơn vị y tế tại các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Hưng Yên, Tây Ninh và Bình Phước. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn làm việc, khảo sát hệ thống này và đánh giá tích cực.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.