Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây chò nâu đại thụ ven đường Hồ Chí Minh, thuộc tiểu khu 338 (xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn) bị ngã đổ cách đây chưa lâu, đã được Kiểm lâm huyện Phước Sơn kiểm tra, lập hồ sơ và cho DN tận thu ngay tại rừng.
Hồ sơ do Kiểm lâm Phước Sơn lập đầu năm 2014, ghi rõ: “Qua nguồn tin báo của nhân dân, tổ công tác (Hạt Kiểm lâm Phước Sơn) đã kiểm tra, phát hiện bên kia sông Nước Mỹ có một cây gỗ ngã đổ do lũ lụt gây ra. Lâm tặc đã lợi dụng cắt thành 3 lóng để cưa xẻ, vận chuyển, tiêu thụ trái phép. Tổ công tác đã đo đạc, thống kê tại hiện trường có 17 phách với khối lượng gần 13m3”. Trên thực tế, cây chò nâu có đường kính hơn 1,55m bị đốn hạ, cắt ra nhiều lóng, xẻ thành những phách gỗ to đã và đang được đưa ra tiêu thụ.
Theo Hạt kiểm lâm Phước Sơn, kiểm lâm đã chủ động phát hiện vụ cây chò nâu bị đổ. Đội công tác đã lập biên bản, ghi rõ nguyên nhân là do lũ lụt. Sau khi báo cáo chính quyền và được sự đồng ý nên đưa hồ sơ ra bán đấu giá, sung công quỹ. Mặc dù vậy, điều nghịch lý là ngay tại hiện trường, cây chò nâu bị xẻ thân trong khi cành chưa héo lá, được định giá 4,5 triệu đồng/m3. Trong khi đó, một thương lái buôn gỗ cho hay, giá thị trường ở vùng miền núi loại gỗ này từ 8 – 10 triệu đồngm3, còn về tới Đà Nẵng phải xấp xỉ 15 triệu đồng/m3.
Một điều rất lạ là Hạt kiểm lâm Phước Sơn đã cho tư nhân mua lại cây chò nâu (đã được cưa ra 17 phách) này ngay tại rừng trong khi quy định của Chính phủ và cả chính quyền tỉnh là “không cho phép bán thanh lý gỗ trong rừng”. Ngoài ra, việc bán đấu giá gần 13m3 gỗ cũng diễn ra vội vàng, với giá “rẻ như cho” cho một DN trên địa bàn mua lại với giá 49 triệu đồng.