Minh bạch các dự án nước sạch: Không thể bỏ qua đấu giá, đấu thầu

ĐBQH đề nghị thanh tra, kiểm tra làm rõ giá thành và giá bán nước sông Đuống
ĐBQH đề nghị thanh tra, kiểm tra làm rõ giá thành và giá bán nước sông Đuống
TP - Chưa nói đến “lợi ích nhóm”, hay “sân sau” của ai đó, từ bài học kinh nghiệm BOT giao thông, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, cơ quan kiểm tra, thanh tra cần sớm vào cuộc, làm rõ mức giá thành với giá bán nước sạch trên địa bàn Thủ đô.


Qua sự cố nước sạch sông Đà, những tranh luận nóng vừa qua về cơ chế đầu tư nước sông Đuống của Hà Nội, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Có thể nói, nước sạch là mặt hàng thiết yếu nhất với mọi người dân. Chúng ta có thể thiếu ăn trong một ngày, nhưng không thể thiếu nước. Chính vì vậy, cần phải có vai trò quản lý của nhà nước. 

Ngoài vấn đề sức khỏe, người dân sử dụng mặt hàng này đều phải trả tiền. Vì vậy, đảm bảo an ninh nguồn nước là vấn đề vô cùng quan trọng. Vì hiện nay phần lớn những nhà máy cung cấp nước sạch cho người dân chủ yếu bằng nguồn nước mặt và nước ngầm, nước mưa cũng có thể sử dụng, nhưng rất hiếm. Tuy nhiên, hai nguồn nước mặt, nước ngầm hiện nay lại đang bị ô nhiễm lớn. 

Qua giải thích về cơ chế đầu tư, mua nước sông Đuống của thành phố, không ít chuyên gia cho rằng đây là thương vụ “hớ” của Hà Nội?

Đúng là sau sự cố nguồn nước sông Đà, bây giờ Hà Nội lại đối mặt với vấn đề nước mặt sông Đuống, khi đây là đơn vị tư nhân cung cấp nước sạch cho người dân. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, TP Hà Nội cần nghiên cứu thật kỹ. Tất nhiên, loại hình kinh doanh nào không cần sự can thiệp của nhà nước thì cần xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư. Nhưng luật cũng quy định rõ, trong trường hợp này bắt buộc phải thông qua đấu giá, đấu thầu khi kêu gọi đầu tư, để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau. 

Theo tôi biết, không phải chỉ có Cty đầu tư dự án nước mặt sông Đuống, rất nhiều doanh nghiệp khác muốn tham gia vào việc kinh doanh, cung cấp nước sạch cho người dân thủ đô. Vậy tại sao không đấu thầu? Tại sao giá nước đơn vị này cung cấp lại cao hơn những nơi khác? Tôi chưa nói đây có phải thương vụ “hớ” hay không mà Hà Nội phải giải thích tại sao giá nước sông Đuống cao hơn, và tại sao lại không qua đấu thầu để chọn nhà đầu tư có giá thành phù hợp hơn? 
Hà Nội cần phải xem lại cách kêu gọi đầu tư, làm sao cho đảm bảo hợp lý, công bằng. 

Trách nhiệm của người đứng đầu

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định không có lợi ích nhóm cũng không bù giá cho nước sông Đuống? 

Cá nhân tôi và nhiều người cũng không loại trừ yếu tố “lợi ích nhóm, sân sau” của một nhóm người nào đó. Tất nhiên, ở đây chỉ là không loại trừ thôi chứ không thể khẳng định có hay không có lợi ích nhóm. Chính vì thế, Hà Nội cần công khai minh bạch, làm rõ điều này.

Chuyện của thị trường là thuận mua vừa bán, nhưng giá 10 nghìn đồng mỗi m3 nước tạm tính khiến nhiều người nghĩ đến câu chuyện BOT giao thông vừa qua. Ông thấy sao về điều này?
Tôi đặt câu hỏi ngược lại, vì sao lại tạm tính? Tạm tính nhưng có thu tiền không? Nếu tạm tính mà vẫn thu tiền thì cơ quan nào chịu trách nhiệm khi người dân phải gánh chịu mức giá đó? Việc thanh tra, giám sát, kiểm toán phương án tạm tính này có được thực hiện không, hay lại cứ im ỉm, rồi cứ thế bán với mức giá đó. 

Minh bạch các dự án nước sạch: Không thể bỏ qua đấu giá, đấu thầu ảnh 1     ĐBQH Phạm Văn Hòa

Chính vì vậy, cơ quan kiểm tra, thanh tra, và nếu có thể cả cơ quan kiểm toán vào cuộc, xem việc tạm tính giá nước như vậy có phù hợp thực tiễn hay không. Cũng không loại trừ, giá tạm tính thấp hơn giá thị trường, doanh nghiệp phải bù lỗ, thì cũng phải có phương án để đảm bảo sự công bằng cho doanh nghiệp. Còn ngược lại, nếu giá tính quá cao thì cũng phải làm rõ, kiến nghị hạ giá xuống. Cũng giống như BOT giao thông, sau khi kiểm toán vào cuộc, đã kiến nghị giảm nhiều năm thu phí, và nhiều trạm đã phải hạ mức phí. 

Với BOT giao thông, nếu không thích người dân có quyền lựa chọn, không sử dụng, còn với nước sạch thì khác, dân không thể thích mua chỗ nào cũng được. Đừng biến người dân thành “con tin”, buộc phải trả tiền mua nước với bất cứ giá nào.

Còn chuyện mua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài thì sao, thưa ông?

Mua bán là quyền của họ, mình không thể cản được. Nhưng phải tính đúng, tính đủ và đảm bảo những điều kiện thiết yếu. Đặc biệt đây là mặt hàng thiết yếu, nên người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của người dân. 

“Hà Nội kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư dự án nước mặt sông Đuống, vào mà không thông qua đấu thầu là cạnh trạnh không lành mạnh. Tại sao doanh nghiệp A được mà doanh nghiệp B, C, D lại không được? Tại sao không đấu thầu? Tại sao giá nước lại cao hơn giá trung bình hiện nay?”.   

                                  ĐBQH Phạm Văn Hòa                           

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.