Miệt mài ôn thi đến giờ chót

Miệt mài ôn thi đến giờ chót
Không buông những học sinh (HS) yếu kém, thầy cô nhiều trường THPT vẫn đồng hành cùng học sinh (HS) đến sát ngày thi bằng nhiều cách khác nhau.

Miệt mài ôn thi đến giờ chót

> Thi tốt nghiệp THPT: Tránh mắc những lỗi ngớ ngẩn
> Thí sinh cần nghỉ ngơi hợp lý
> Củng cố kiến thức trước ngày thi

Không buông những học sinh (HS) yếu kém, thầy cô nhiều trường THPT vẫn đồng hành cùng học sinh (HS) đến sát ngày thi bằng nhiều cách khác nhau.

Học sinh lớp 12A6 Trường THPT Hồng Hà, TP.HCM ôn bài môn sinh học chiều 30-5. Ảnh: Như Hùng
Học sinh lớp 12A6 Trường THPT Hồng Hà, TP.HCM ôn bài môn sinh học chiều 30-5. Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ).

Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc của người đứng đầu một trường, cô Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - vẫn nhận nhiệm vụ chủ nhiệm một lớp 12 đặc biệt, gồm 35 HS cá biệt, học lực yếu, bắt đầu từ học kỳ II và theo các em đến sát kỳ thi.

Những “liệu pháp đặc biệt”

Cô Nhiếp cho biết: “Các em ở lớp đặc biệt không chỉ có vấn đề ở học lực, nên việc rèn giũa đưa các em vào nề nếp rất vất vả. Phương pháp dạy học là tạo cho các em sự tự tin, hứng thú để các em chủ động và vui vẻ ngồi vào bàn tự học. Khi các em đã biết tự học, khả năng thành công rất cao”.

Nhiều HS trong lớp này lúc đầu không thể giải một bài toán cơ bản, không biết cách viết một đoạn văn. Học yếu, thiếu tự tin, chán học và hầu như không hi vọng mình thi đỗ tốt nghiệp là tình hình chung của những HS này. Thế nhưng, đều đặn năm tiết mỗi buổi chiều (ngoài giờ học chính khóa buổi sáng), các em được ôn tập lại theo hướng “hổng đâu bù đó”, được chỉ dẫn cách tự mình thu nạp kiến thức, tham gia thi thử... Kết quả nhiều em đã tiến bộ trông thấy.

Một người cha có con học lớp này đã khóc trong buổi học cuối cùng của con. Ông nói tưởng đã phải bó tay với con nhưng giờ ông tin con mình sẽ thi đỗ.

Trong buổi cuối cùng, có HS đã thốt lên: “Cô ơi, cô yên tâm, con sẽ thi đỗ để cô không phải xấu hổ vì con”.

Em N.N.M. cho biết: “Trước đây, em mải chơi, trốn tiết, dẫn đến việc không hiểu bài nên rất nản, nhưng với sự giúp đỡ của các thầy cô, em đã lần lượt học lại những kiến thức cơ bản nhất, giờ em tin sẽ đỗ tốt nghiệp”.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, năm học trước, “lớp 12 đặc biệt” của trường cũng đã được mở, 100% số học sinh của lớp này đỗ tốt nghiệp, một số em đỗ với kết quả cao. Năm nay, có ít nhất 2/3 số học sinh của lớp đặc biệt có chuyển biến rất rõ trong học tập, ý thức.

Tổ chức lớp theo môn

Trường THPT Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) lại tổ chức lớp theo môn học. Mỗi lớp học chỉ khoảng 10 học sinh. Theo các thầy cô phụ trách lớp, rất nhiều học sinh yếu môn toán, lý nhưng lại học tốt môn văn, địa và ngược lại. Thời gian ôn thi không còn nhiều nên việc tổ chức lớp học như thế này để tiết kiệm thời gian cho HS và cả giáo viên. HS còn yếu môn nào đăng ký học môn ấy.

Những ngày cuối cùng trước khi thi, HS được các thầy cô giải đáp những băn khoăn, thắc mắc về kiến thức từng môn thi, dặn dò những việc cần làm và không được làm khi bước vào phòng thi.

Thi vấn đáp là hình thức ôn tập khá đặc biệt của Trường THPT Trần Nhân Tông, Hà Nội. Nhiều HS của trường này cho biết, đợt kiểm tra vấn đáp rất căng thẳng, nhưng lại giúp nhớ bài rất lâu và tập thói quen suy nghĩ thật nhanh, đòi hỏi vững kiến thức.

Bên cạnh việc kiểm tra vấn đáp đối với 100% học sinh lớp 12, nhà trường khuyến khích các lớp áp dụng hình thức này để “truy bài”, đặc biệt là những HS khá truy bài với học sinh còn yếu.

N.H.H., một HS có lực học yếu đầu học kỳ II, cho biết: “Khi trao đổi trực tiếp với thầy cô, bạn bè, em vỡ ra được nhiều điều chưa hiểu trong lúc học. Những sai sót vấp phải trong lúc truy bài, trả lời vấn đáp lại là những kiến thức em ghi nhớ lâu hơn. Đây cũng là cách thức giúp em đỡ run hơn khi bước vào phòng thi”.

Trong khi đó, Trường THPT Lương Văn Can (Q.8, TP.HCM) đã dành sáu tuần trước kỳ thi để tập trung giáo viên giỏi bồi dưỡng riêng cho bốn lớp HS có trình độ dưới trung bình. Riêng môn sinh học, trường tổ chức thêm buổi để thầy cô căn dặn HS về các dạng bài thường gặp, hướng dẫn phương pháp làm bài.

Tại Trường THPT Tân Phong (Q.7, TP.HCM) - một trong những trường có đầu vào khá thấp ở TP.HCM, hoạt động ôn tập, phụ đạo cho HS yếu, kém kéo dài tới sát ngày thi.

Trong số 269 HS khối 12, những HS khá, giỏi được khuyến khích tự học, riêng những HS còn yếu, kém được hướng dẫn, kèm cặp sát sao để có thể đạt điểm trên trung bình.

Theo Vĩnh Hà - Lưu Trang
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG