Miền đất của 2 dòng sông giới tuyến

0:00 / 0:00
0:00
TP - 50 năm trước, ngày 1/5/1972, Quảng Trị - tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng. Và nơi miền đất ấy, có 2 con sông giới tuyến Thạch Hãn, Bến Hải đi vào huyền thoại cuộc trường chinh bất khuất đánh giặc giữ nước của dân tộc.

Ký ức những dòng sông

Hiếm nơi nào như Quảng Trị, tỉnh có 12 sông lớn nhỏ thì có tới 2 con sông không chỉ nổi tiếng cả nước mà còn nổi tiếng thế giới. Ấy là sông Bến Hải dài 100km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn chảy dọc vĩ tuyến 17, là ranh giới giữa hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh từng mang trong mình nỗi đau chia cách đất nước 20 năm, từ 1955 đến 1975. Và sông Thạch Hãn gắn liền với Thành Cổ Quảng Trị với những trận chiến ác liệt gợi nhớ những đau thương mất mát trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là “mùa hè đỏ lửa” năm 1972.

Miền đất của 2 dòng sông giới tuyến  ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, dâng hoa dâng hương tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị ngày 3/4/2017

5 năm trước, ngày 30/4, chương trình “Ký ức của những dòng sông giới tuyến” nằm trong khuôn khổ lễ hội “Thống nhất non sông” nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972- 1/5/2017) và 45 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972-2017). “Ký ức của những dòng sông giới tuyến” là chương trình nghệ thuật được dàn dựng dựa trên ý tưởng chủ đạo là câu chuyện về quá khứ gắn liền hai con sông lịch sử trên mảnh đất Quảng Trị. Đó là 2 dòng sông Bến Hải và Thạch Hãn, nơi đây diễn ra nỗi đau chia cắt hai bờ Nam-Bắc và ý nghĩa hòa hợp dân tộc trong ngày hội non sông. Tại chương trình, các nhân chứng lịch sử đã có buổi giao lưu, bên cạnh đó trình chiếu các phóng sự thực tế và tư liệu, xen kẽ là các tiết mục ca nhạc, ngâm thơ, hoạt cảnh, thả hoa đăng trên sông.

Miền đất của 2 dòng sông giới tuyến  ảnh 2

Cột cờ Hiền Lương - Chứng tích lịch sử tại Quảng Trị

"Ký ức của những dòng sông giới tuyến” là ký ức về quê hương nguồn cội, về năm tháng chiến đấu và hy sinh của cha anh để nối lại những chiếc cầu, cho non sông nối liền một dải. Người dựng kịch bản và tổng đạo diễn chương trình này là nhà văn Xuân Đức, cha đẻ của những tác phẩm văn học nổi tiếng “Cửa gió”, “Người không mang họ”... Xuân Đức giờ đã về với mây ngàn.

Bây giờ, thương hiệu “Lễ hội Thống nhất non sông” đã trở nên quen thuộc và đã trở thành một lễ hội cấp quốc gia được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4, song ít ai biết rằng lễ hội này từng được tổ chức từ nhiều năm về trước, lúc đất nước còn đang trong thời buổi khó khăn. Ông Phan Chung, nguyên Bí thư Huyện ủy Bến Hải (3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ và thành phố Đông Hà bây giờ) nhớ lại, nhân 10 năm ngày thống nhất đất nước, năm 1985, huyện Bến Hải quyết định lấy ngày Đại thắng 30/4 của dân tộc làm ngày truyền thống của huyện. Dẫu hồi ấy đời sống còn khó khăn nhưng vào dịp này, đồng bào các huyện Gio Linh, Cam Lộ, Vĩnh Linh, Đông Hà vẫn góp gạo, thịt, cá... để ăn mừng ngày thống nhất non sông. Những ngày đó được nhân dân trong huyện Bến Hải tổ chức ăn mừng tựa như ngày Tết Độc lập 2/9 vậy.

Mảnh đất linh thiêng

Thiếu tướng Lê Hữu Thỏa, Anh hùng LLVTND, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị có lần trò chuyện với tôi rằng, Quảng Trị khó có thể làm du lịch theo các tỉnh lân cận đang thực hiện mà phải có giải pháp mới, đó là biến mất mát, đau thương của chiến tranh cùng những giá trị tâm linh thành lợi thế để phát triển và hướng đến đưa Quảng Trị không chỉ trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ mà còn là mảnh đất linh thiêng, biểu tượng hòa bình của thế giới... Đúng vậy! Ý tưởng và khát vọng của hòa bình hiện hữu trên mảnh đất này thì đã được thể hiện từ lâu.

Chiến tranh đi qua đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị một bảo tàng sống động với 518 di tích danh thắng, trong đó có 469 di tích chiến tranh, 4 di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt và nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Ngày nay, đến với Khu di tích cầu Hiền Lương - đôi bờ Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị, Cồn Tiên, Dốc Miếu gắn với Hàng rào điện tử Mc.Namara, Đường 9-Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Địa đạo Vịnh Mốc, 2 Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Trường Sơn... thể hiện được tầm vóc, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta vì độc lập, thống nhất đất nước trong cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, vừa biểu tượng cho khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Chính thế miền đất này đã làm cho bao du khách, các nhà nghiên cứu ngỡ ngàng. Tôi nhớ cách đây chưa lâu, nữ sinh viên Takaya Hiroko từ đất nước hoa anh đào Nhật Bản sang nghiên cứu văn hóa Việt Nam đã thốt lên lúc chạm vào đất Thành Cổ Quảng Trị: “Nhiều người nói với tôi Quảng Trị khổ. Tôi chưa biết được nhiều mà nghĩ rằng tôi đã thấy được nhiều dấu vết như thế này của dân tộc là chứng minh Quảng Trị có cái gì đó làm cho người ta hấp dẫn phải không? Và Quảng Trị có khả năng làm cho cuộc sống của con người phong phú hơn và hạnh phúc hơn - có phải không ?”.

Tiềm năng du lịch

Có lần, chị Trần Thị Thu-Chủ tịch Hội LHTN tỉnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Trị tâm sự với tôi thế này, Quảng Trị không chỉ là vùng đất một thời đạn bom khốc liệt mà còn là miền đất của những sản phẩm du lịch độc đáo, ít nơi nào có được. Một vùng đất nhỏ hẹp ở miền Trung mà chứa nhiều tiềm năng du lịch. Với một đường biên giới kéo dài 206 cây số giáp với nước bạn Lào có rừng nguyên sinh với nhiều hang động như Brai, Tà Puồng ở rẻo cao Hướng Hóa; rừng đặc dụng, suối nước nóng ở Klu của xứ núi Đakrông. Rồi Quảng Trị có bờ biển dài 75 km với những điểm du lịch nổi tiếng về phong cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái cùng những sản phẩm du lịch biển độc đáo của Cửa Tùng, Cửa Việt, đảo Cồn Cỏ.

Quảng Trị còn là miền đất hành hương của đồng bào tôn giáo của cả nước như Nhà thờ La Vang, Chùa Sắc Tứ... mà mỗi mùa lễ hội thu hút hàng vạn khách thập phương tìm về nương náu cõi tâm linh. Và cũng ít nơi đâu có một tháng hành hương hàng năm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ như tháng tri ân ở Quảng Trị. Tháng 7 ngày về, đồng bào cả nước hành hương về 2 Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Trường Sơn, Nghĩa trang Thành Cổ Quảng Trị và 72 nghĩa trang trong tỉnh để dâng hương tưởng nhớ những anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất nhất của đất nước.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 47 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 (1975-2022), kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972- 1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022), trong Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” sáng 30/4 diễn ra tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải được tổ chức trọng thể như mọi năm, năm nay đặc biệt sẽ có thêm phần lễ diễu binh, diễu hành.

Mới đây, lúc đoàn cán bộ, phóng viên các báo địa phương trong nước về dâng hương, dâng hoa trong đêm hoa đăng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của cán bộ và nhân dân nơi đây. Đêm rằm, lúc màn đêm chưa buông xuống, cán bộ, nhân dân thị xã đã tề tựu đông đủ ở Đền tưởng niệm làm lễ tri ân. Những đài hoa, những nén tâm hương, hoa đăng được dâng lên dòng sông Thạch Hãn linh thiêng. Trong ngan ngát hương trầm, chúng tôi lặng người đi trong dòng hồi ức ngày đã qua: “Trải qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc, đã có hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hi sinh và để lại một phần thân thể của mình trên khắp các chiến trường. Chỉ tính riêng trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa 1972 ở Thành Cổ Quảng Trị, kẻ thù đã sử dụng một khối lượng bom đạn khổng lồ tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã từng ném xuống Hirosima và Nagasaki Nhật bản năm 1945. Và chính tại bến sông này trong những ngày ác liệt nhất của “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, hàng ngàn chiến sĩ mà phần lớn là những thanh niên miền Bắc, đã từ biệt những làng quê yêu dấu, đã gác lại những hạnh phúc riêng tư và những giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để vào chiến đấu tại chiến trường Thành Cổ. Song cũng chính trong những ngày mịt mù mưa bom bão đạn ấy, hàng ngàn chiến sĩ của đoàn quân tiến vào Thành Cổ đã nằm lại đáy sông sâu, bởi các anh “qua sông ngày ấy không về”.

“Quảng Trị-mảnh đất nhỏ hẹp, nơi oằn vai của miền Trung gánh hai đầu đất nước, nơi có con sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 một thời chia đôi đất nước, nơi từng diễn ra cuộc đọ sức giữa lực lượng chính nghĩa và phi nghĩa ở Thành Cổ Quảng Trị... với biết bao đau thương mất mát đã thắp lên khát vọng hòa bình cho nhân loại”. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

Máu xương của các anh đã tan vào đất Mẹ, hòa trong sóng nước mênh mang của dòng Thạch Hãn để thế hệ hôm nay có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Những nghĩa cử của thế hệ hôm nay đang sưởi ấm cho thế hệ cha anh đã nằm lại với mảnh đất thị xã Quảng Trị nhỏ bé hiên ngang bất khuất trong sự kiện lịch sử 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ năm 1972.

Đinh Ngọc Du

Khoảng trời Quảng Trị

Em đã về nơi mảnh đất mình yêu

Trong nắng lửa khoảng trời Quảng Trị

Cái nắng lửa ngàn xưa vẫn thế

Phút bình yên nơi Cửa Tùng, Cửa Việt

Phút lặng thầm cùng Trường Sơn, Dốc Miếu

Phút nồng nàn từ hương vị hồ tiêu

Em đã về nơi mảnh đất mình yêu

Đêm Đông Hà vừng trăng nghiêng Quảng Trị

Em hồi ức niềm đau riêng một tý

Năm tháng phiêu bồng một khoảng trời riêng

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.