"Metropolis" - cuộc tái sinh ly kỳ

"Metropolis" - cuộc tái sinh ly kỳ
TP - Từ trung tuần tháng Bảy, công chúng điện ảnh khắp hành tinh hầu như thót tim vì một hạnh phúc bất ngờ. Đó là việc một báu vật thứ thiệt của Nghệ thuật thứ bảy tưởng biến mất vĩnh viễn bỗng tìm về được với họ.
"Metropolis" - cuộc tái sinh ly kỳ ảnh 1
Robot - Một cảnh trong phim

Báu vật ấy là Thành phố trung tâm (tạm dịch Metropolis) của Fritz Lang (1890-1976), nhà điện ảnh Hoa Kỳ gốc Đức.

Được công chiếu vài tháng ở Đức, chủ yếu là Berlin, từ tháng Một năm 1927, nó trở thành tác phẩm điện ảnh được yêu thích nhất.

Sau đó, dù số phận chìm nổi lạ lùng, nó vẫn được suy tôn là bộ phim Đức quan trọng nhất trong lịch sử đất nước này. Trên bình diện nghệ thuật toàn cầu, nó nằm trong nhóm những phim giả tưởng kiệt xuất nhất của mọi thời đại.

Kỳ thú nhất và cũng chuyện thật như đùa nhất, nó là bộ phim duy nhất được UNESCO xếp vào di sản văn hóa thế giới cho đến hôm nay. Bản phim gốc dài 153 phút.

Ngay những ngày còn trên đất Đức, nó đã bị cắt, còn 118 phút thôi. Khi vượt Đại Tây dương sang Hoa Kỳ, nó bị cắt tiếp 4 phút nữa...

Năm tháng qua đi, chưa hiểu vì sao, kiệt tác có một không hai bị mất hẳn, kể cả trên lãnh thổ Hoa Kỳ! Đầu những năm 1960, Bảo tàng phim Munich, Cộng hòa Liên bang Đức, hạ quyết tâm tìm cho được bộ phim của Fritz Lang.

Người của Bảo tàng được cử đi sục sạo khắp nơi và họ lần hồi thu về Đức từng mảng từng mảng của nó. Từ giữa những năm 1980, phiên bản mới Thành phố trung tâm 80 phút ra đời song bị chỉ trích kịch liệt...

Đầu những năm 1990, bản 93 phút giữ nguyên hình ảnh của Fritz Lang chưa thật thỏa mãn công chúng điện ảnh. Công cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục và năm 2001, phim Thành phố trung tâm 117 phút được chiếu rộng rãi, rồi được chuyển sang đĩa DVD...

Tháng Một 2008, bà Paula Félix-Didier được cử làm giám đốc Bảo tàng điện ảnh Buenos Airez (Achentina). Biết bà thực tâm với nghệ thuật và phim ảnh, chồng cũ của bà, trưởng phòng điện ảnh của Bảo tàng nghệ thuật mỹ la tinh, khuyên bà xem lại Thành phố trung tâm

Bà Paula Félix-Didier mở một chiến dịch truy tìm ráo riết. Kết quả, 25 phút nữa đã “tái hội nhập” vào bản Mỹ của Thành phố trung tâm. Bản phim hoàn chỉnh, gần nhất với bản gốc, dự kiến sẽ đến với công chúng trong năm 2009...

Những ngày này, nhiều phương diện của Thành phố trung tâm và tác giả của nó đang được đề cập sôi nổi. Trước hết, Fritz Lang càng được bái phục như một nhân cách nghệ sỹ phi thường.

Là con một nhà công nghiệp tài ba kiêm kiến trúc sư lừng lẫy, “giàu nhất thiên hạ”, ông đang theo học đại học kiến trúc theo ý cha mẹ, thì đột ngột bỏ dở.

Chỉ vì ông say mê nghệ thuật, nhất là hội họa. Xung khắc dữ dội với cha mẹ, ông đoạn tuyệt gia đình và chu du khắp hành tinh. Tá túc nhiều nơi, sau cùng ông đến Paris kiếm sống chật vật bằng vẽ tranh minh họa và tranh châm biếm.

Trong chuỗi ngày phiêu du, ông bỗng bị điện ảnh hớp hồn qua những bộ phim bậc nhất bấy giờ. Ông từng bị thương và được thưởng bảy lần khi làm lính trong Đại chiến I.

Từ 1917, ông bắt đầu viết kịch bản phim ở Vienne rồi Berlin. Ông viết khỏe và thành công giòn giã. Cuộc gặp gỡ với một nhà sản xuất bậc thầy hướng ông vào nghiệp đạo diễn.

Các phim của ông dường như “thấm đẫm tâm hồn Đức” trong thời Đức quốc xã đang lên. Khi Hitler lên cầm quyền, bộ trưởng tuyên truyền của y cho mời ông làm vụ trưởng vụ điện ảnh. Ông từ chối khéo và rời nước Đức vài giờ sau.

Lưu vong một thời gian tại Pháp, năm 1934, ông tiếp bước nhiều bậc tiền bối Đức chuyển sang Hoa Kỳ. Thành tựu ở Mỹ cũng vang dội ghê gớm. Cuối những năm 1960, ông quay về Đức, làm tặng quê hương hai kiệt tác đáng nể.

Ông tắt thở tại Hollywood. Vượt lên trên những chủ đề thời thượng như tội ác, bạo lực hay tình dục, ông đưa ra những chiêm nghiệm đáng giật mình về nhân tình thế thái mà Thành phố trung tâm là một kết tinh.

Kịch bản Thành phố trung tâm dựa vào tiểu thuyết cùng tên của Thea von Harbou, vợ ông, do chính bà viết. Xin lưu ý, ông bà hợp tác mỹ mãn trong vai trò ông là đạo diễn, bà là nhà biên kịch.

Họ nên duyên vợ chồng từ năm 1922 cũng từ sự hợp tác này. Về sau, bà ủng hộ Hitler và năm 1933 không theo ông “di tản”. Ông sống độc thân từ bấy cho đến 1971.

Hiện một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh, ông nhượng bộ bà trong cái kết của Thành phố trung tâm. Phim kể về một thành phố năm 2026. Thành phố ấy chia làm hai phần rõ rệt.

Trên mặt đất là của giới chủ giàu sụ. Dưới đất là của dân lao động bị giới chủ nô dịch, đàn áp và bóc lột không thương tiếc bằng đủ loại vũ khí, như công nghệ, khoa học kỹ thuật… Nhân tính bị máy móc làm thui chột dần. Song một phụ nữ bản lĩnh khêu gợi và kích thích sự nổi loạn của dân “dưới hầm đen tối”… 

Hầu hết các học giả đều cho dự báo của Fritz Lang là chính xác một cách đau lòng. Dù sao, lời cấp báo của Fritz Lang là không thể làm ngơ được nữa... Chắc chắn rất lâu nữa, người ta mới có thể cống hiến một siêu phẩm chân thực và gây ấn tượng mạnh đến như vậy…

Phú Khê - Bạch Nga
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

MỚI - NÓNG