Messi và nghịch lý Nam Mỹ

Messi và nghịch lý Nam Mỹ
Có thể thấy gì sau loạt sáu trận mở màn vòng bảng Copa America 2011? Đó chỉ là một kịch bản cho sáu vở diễn: những cuộc tấn công bất thành, bế tắc của những đội bóng lớn vào những khối bêtông mới mẻ của Nam Mỹ. Đó cũng thể hiện sự mờ nhạt của những ngôi sao sáng trên bầu trời Copa America...
Messi và nghịch lý Nam Mỹ ảnh 1

Có thể thấy sự bất lực của Argentina, Brazil, Uruguay, ba ứng viên nặng ký của chức vô địch, trước những đội bóng “nhỏ bé” như Bolivia, Venezuela, Peru phần nào thể hiện sự khủng hoảng của bóng đá Nam Mỹ cấp đội tuyển quốc gia sau World Cup.

Sau thất bại của các đại gia Nam Mỹ tại Nam Phi, họ đang trong giai đoạn cải tổ lại đội bóng. Cả Argentina và Brazil đều thay đổi huấn luyện viên và với những ngôi sao cũ, một lối chơi mới vẫn chưa hình thành.

Nghịch lý thứ nhất của bóng đá Nam Mỹ chính là việc bán châu lục này là nơi sản sinh không ngừng nghỉ những ngôi sao tấn công, thế nhưng họ chỉ thành công khi chơi với lối phòng ngự phản công.

Có thể thấy, Brazil của những năm 1994 và 2002, Argentina 1986, 1990 tại các kỳ World Cup là đã rõ. Uruguay, đội bóng chơi thành công nhất của Nam Mỹ và giành hạng tư World Cup vừa qua cũng là đội chơi thuần phòng ngự phản công. Do đó, khi chuyển sang các mô hình tấn công toàn diện như ở Copa America lần này, các đội bóng lớn của Nam Mỹ đương nhiên không thể vận hành trôi chảy.

Pep Guardiola và Barcelona có công truyền “đạo” tấn công tổng lực, thế nhưng Mourinho và Real Madrid cũng truyền bá một thứ “đạo” ngược lại, phòng thủ phản công, ra khắp thế giới. Những đội bóng lớn của Nam Mỹ chưa thấm nhuần được thứ “đạo” tấn công hoa mỹ và hiệu quả của Barca thì những đội bóng nhỏ của bán châu lục này đã dễ dàng học được công nghệ sản xuất “xe buýt nhiều tầng” của Real Madrid.

Chỉ với một đội bóng nhỏ bé như Venezuela thôi, các ngôi sao tấn công của tuyển Brazil đã phải bất lực rồi dù họ đang sở hữu cả một “bộ tứ huyền ảo” hay “chiếc đinh ba” huỷ diệt nào đó...

Một nghịch lý vẫn đang gây tranh cãi khắp trên các mặt báo vừa qua là vì sao các ngôi sao lớn của Nam Mỹ như Messi, Tevez, Pato, Robinho..., dù đã và đang toả sáng rực rỡ tại trời Âu, lại không thể nào toả sáng trong màu áo của đội tuyển quê nhà.

Messi, người đang là tâm điểm của những chỉ trích do thường xuyên chỉ là một bản sao nhạt nhoà của mình tại Barcelona, đến nỗi người ta phải đặt nghi ngờ về năng lực thật sự của siêu sao này.

Có người châm biếm rằng Messi còn “không thuộc cả quốc ca Argentina” lấy gì có chất Argentina trong người. Quả thật là các ngôi sao Nam Mỹ, hầu hết dành trọn sự nghiệp của mình cho đời lê dương nên họ chịu ảnh hưởng của hệ thống câu lạc bộ của mình thi đấu hơn là đội tuyển quốc gia.

Những hệ thống này là rất khác nhau ở châu Âu, thậm chí là rất đối nghịch nhau. Thế cho nên thật khó cho Messi của một Barcelona có thể hoà hợp nhuần nhuyễn được với một Tevez của Manchester City hay hàng loạt ngôi sao của câu lạc bộ đối địch với Barcelona như những Di Maria, Higuain của Real Madrid.

Lối chơi thành công của Argentina từ thời Maradona luôn là một hệ thống “nhật tâm”, các “hành tinh” xoay quanh một “mặt trời”, nhưng Messi là chưa đủ đẳng cấp để đóng trọn vai trò của định tinh đó.

Brazil chỉ đang bước đầu gây dựng một đội tuyển là sự kết hợp giữa những ngôi sao đang thi đấu ở châu Âu và những ngôi sao trẻ đang thi đấu ở quốc nội. Không còn những ngôi sao thuộc nhóm hàng đầu của thế giới như Rivaldo, Ronaldo, Ronaldinho..., đội tuyển Brazil buộc phải chấp nhận một lối chơi đồng đội hơn chứ không thể đặt nhiều ảo tưởng vào các ngôi sao tầm kha khá hay chỉ mới ở dạng tiềm năng như Pato, Robinho, Ganso hay Neyma... Một thời kỳ thoái trào không đúng lúc chút nào khi chỉ ba năm sau họ là chủ nhà của World Cup 2014...

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG